Tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc

08/11/2010

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, trong đó nổi lên là tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng ở mức cao

Tuần qua, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là 2 ngày làm việc đầu tuần thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 và định hướng, mục tiêu giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng khác.

 

Các ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội gửi gắm cũng là nguyện vọng của cử tri cả nước, thể hiện trách nhiệm trước sự phát triển của đất nước. Nhiều dự thảo Luật cũng đã được bàn thảo tại tuần làm việc này.

 

Phát huy hiệu quả của các kỳ họp trước, tại kỳ họp này, trong phần thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, cùng với phát biểu của đại biểu Quốc hội, chủ toạ phiên họp đã mời thêm các vị Bộ trưởng, trưởng ngành cùng trao đổi về những lĩnh vực mà ngành mình phụ trách.

 

Theo nhiều ý kiến đại biểu, cần có chính sách tạo môi trường bình đẳng và trên thực tế giữa các thành phần kinh tế

 

Qua 2 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, đã có 79 đại biểu phát biểu ý kiến. Chủ toạ phiên họp đã mời 7 vị Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình thêm những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

 

Đánh giá về phiên thảo luận 2 ngày được phát thanh và truyền hình trực tiếp đến đông đảo cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hoạt động của Quốc hội nói chung và của các đại biểu Quốc hội nói riêng thực sự dân chủ, trách nhiệm và tâm huyết.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, về cơ bản, chúng ta đã đạt được mục tiêu chung, hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng đề ra. Tổng thể vĩ mô ổn định, kinh tế phục hồi nhanh, tăng cao hơn kế hoach đề ra. Bằng nguồn vốn Nhà nước và các nguồn lực khác, chúng ta đã đầu tư tốt cho phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị và xã hội được bảo đảm, ngoại giao được mở rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành quả đó thể hiện vai trò điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội cũng như sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

 

Tuy nhiên, ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, trong đó nổi lên là tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng ở mức cao, đời sống của nhân dân lao động chưa được cải thiện nhiều… quản lý nguồn lực nhà nước chưa chặt chẽ, việc sử dụng chi tiêu công còn cao, chống tham nhũng chưa triệt để.

 

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đủ tầm và tương xứng với vị trí, vai trò chiến lược của khu vực này, do vậy mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn là khu vực phát triển chậm, đời sống nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

 

Trong chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, các đại biểu đề nghị, bằng các chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn để tạo ra bước chuyển biến mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, việc làm, đời sống vật chất tinh thần… trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân tương xứng với vai trò và vị trí chiến lược của khu vực này. Cùng với đó, cần có chính sách tạo môi trường bình đẳng và trên thực tế giữa các thành phần kinh tế. Tăng cường sức mạnh, phát triển bền vững của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ, chấn chỉnh một cách toàn diện, sắp xếp lại căn bản, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

 

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. Sau phiên thảo luận này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2011 xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp cuối của Kỳ họp này.

 

Cũng trong tuần làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; về Luật sửa đổi Luật Chứng khoán. Nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đo lường; Luật Thủ đô; nghe Báo cáo và Tờ trình về thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

 

Quốc hội cũng giành thời gian thảo luận các báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an về các vấn đề về tư pháp, phòng chống tội phạm và thi hành án; giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng.

 

Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010; Thảo luận về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010./.

Đặng Linh

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác