Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với ý kiến sửa đổi, bổ sung báo cáo thẩm tra, đại biểu cũng thống nhất tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Theo đó, chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề cấp bách nhằm tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày.
19 ý kiến thảo luận sáng nay đều tập trung vào những vấn đề chung của Luật và thuật ngữ, câu chữ trong văn bản. Về phạm vi sửa đổi do chưa có tổng kết, tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho nên lần này Quốc hội chưa đặt vấn đề sửa đổi một cách toàn diện hai Luật Bầu cử nêu trên. Do từ nay đến khi tiến hành bầu cử năm 2011 còn thời gian ngắn, nên Quốc hội chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề vướng mắc, bức xúc tồn tại liên quan đến tổ chức phụ trách bầu cử; trình tự, thủ tục tiến hành bầu cử; thời gian bầu cử và các vấn đề liên quan đến tổ chức bầu cử cơ sở. Vì vậy, nhiều vấn đề khác do đại biểu nêu ra, như: tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu HĐND, cơ cấu, người Việt Nam ở nước ngoài, người hai quốc tịch và nhiều vấn đề khác sẽ được nghiên cữu kỹ để tiến hành khi sửa đổi, bổ sung Luật cơ bản.
Về việc thành lập tổ chức phụ trách bầu cử địa phương, có ý kiến cho rằng nên đặt ra thường trực HĐND phối hợp UBND và MTTQ ở địa phương để thay cho UBND hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nghiên cứu.
Về số lượng thành viên Hội đồng bầu cử cũng được nhiều đại biểu quan tâm và nêu ý kiến nhiều phương án cụ thể. Có ý kiến đề nghị nên quy định từ 5-21 người để phù hợp với khu vực bỏ phiếu, khi địa phương có số lượng đông từ 300-4.000 cử tri thì hoạt động linh hoạt hơn.
Về thành phần tham gia tổ bầu cử, cũng có ý kiến đề nghị nên viết rõ hơn vì quy định thành lập tập thể cử tri ở địa phương là chưa rõ, nên quy định như luật hiện hành là đại diện cử tri. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị phải có hướng dẫn.
Vấn đề được đại biểu quan tâm nhiều là số dư ứng cử viên tại các đơn vị bầu cử. Quy định như dự thảo nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị, nguyên tắc ở mỗi đơn vị bầu cử chỉ có số chính thức là 2 người, trừ trường hợp bất khả kháng sẽ do Hội đồng bầu cử quyết định.
Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) đề nghị: Về số dư tại các đơn vị bầu cử tại Điều 46, dự thảo luật quy định số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Quy định như vậy là quá chung, không cụ thể, nhiều là bao nhiêu người, 1, 2 hay 3 người?. Luật cũng quy định, nếu đơn vị đó bầu 3 đại biểu, số dư ít nhất 2 đại biểu, quy định này quá cụ thể nhưng không rõ, vì không chỉ có đơn vị bầu 3 đại biểu mà có đơn vị cá biệt bầu 1 đến 2 đại biểu… Đề nghị dự án Luật quy định mỗi đơn vị bầu cử có số dư ít nhất là 2 người, để nâng cao tính lựa chọn trong công tác bầu cử.
Các vấn đề về thẻ cử tri, kê khai tài sản, quy trình hiệp thương... các ý kiến chung đều đồng ý các bước hiệp thương nhưng cũng có loại ý kiến đề nghị thời gian để các bước thỏa đáng hơn, cụ thể ở bước 2 và bước 4. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị vật chất phương tiện cũng phải tăng cường hơn vì số lượng công việc nhiều đòi hỏi thời gian xử lý nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là thời điểm công bố ngày bầu cử, các đại biểu, Nguyễn Hồng Nhị (đoàn Nghệ An), Nguyễn Duy Nguyên (đoàn Hưng Yên) cho rằng, từ nay đến khi diễn ra bầu cử không còn nhiều, việc công bố thời gian thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương và Ban bầu cử ở địa phương cần tiến hành sớm, có thể từ 120 ngày để tạo tính công bằng, dân chủ trong bầu cử và đảm bảo thời gian các bước hiệp thương. Về thời gian tiến hành các công việc của các tổ chức bầu cử địa phương cũng cần phải cân nhắc hợp lý…
Trước đó, chiều 25/10 các đại biểu đã thảo luận ý kiến ở tổ và đã được tập hợp đầy đủ, trong đó có nhiều ý kiến nêu xác đáng. Những ý kiến này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu cùng với ý kiến tại Hội trường sáng nay để giải trình tiếp thu xin ý kiến Quốc hội thông qua.
Tăng thu với đất nông nghiệp sử dụng không đúng mục đích
Cũng trong phiên họp sáng 8/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội thảo luận cho ý kiến ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về 3 nhóm vấn đề: Những đối tượng được miễn và giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (quy định tại Điều 1 và 2); Áp dụng pháp luật trong trường hợp các đối tượng được miễn giảm thuế định tại Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp mà không thể hiện trong Nghị quyết này, thời hạn miễn giảm thuế trong thời gian tới 5 năm hay 10 năm.
Đa số các đại biểu đồng tình thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về với chủ trương miễn giảm thuế và thời gian giảm thuế, cho rằng thể hiện ý Đảng, lòng dân.
Cho ý kiến cụ thể các vấn đề này, đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) đề nghị xem xét lại khoản 2, Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định giảm 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý sử dụng đất để sản xuât nông nghiệp nhưng giao các tổ chức khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất đất nông nghiệp.
Theo đại biểu quy định này không hợp lý, do thời gian qua trong các tổ chức được giao đất nông nghiệp, chỉ một số lực lượng vũ trang còn trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho bộ đội còn các tổ chức khác thường cho cá nhân thuê lại đây là hình thức "phát canh thu tô", phát sinh nhiều tiêu cực gây mất ổn định xã hội ở nông thôn do nông dân khiếu kiện. Khi cho thuê lại đất người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp là bà con nông dân, trường hợp diện tích họ nhận khoán chưa vượt định mức giao đất, định mức chuyển giao quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2003… không được hưởng chính sách miễn thuế của nhà nước phải nộp 50% thuế theo quy định tại khoản 2, Điều 2; Các tổ chức lực lượng vũ trang thuê đất để sản xuất vẫn phải nộp 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp là không hợp lý.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu rà soát lại tất cả diện tích đất nông nghiệp giao cho các tổ chức quy định tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp mà cho thuê lại thì thu lại giao cho chính quyền địa phương và trực tiếp cho người dân sản xuất. Tuy nhiên cũng cần phải tính toán bồi thường hợp lý khoản kinh phí mà các tổ chức này đã bỏ ra để khai khẩn đất nông nghiệp trước khi giao lại cho nhân dân sản xuất.
Đồng tình với ý kiến trên, các đại biểu Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) thêm ý kiến nên tăng thu thuế gấp 2,3 lần so với định mức đất nông nghiệp cho thuê lại sử dụng không đúng mục đích, bỏ hoang. Theo đại biểu việc tăng thuế là một giải pháp để răn đe đối tượng nhận đất mà sử dụng không đúng mục đích, trong khi người nông dân đang thiếu đất…./.