Ngày làm việc thứ 18, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII: Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011

12/11/2010

* Thảo luận Luật Chứng khoán (sửa đổi) * Chính phủ trình ba dự án Luật

Ngày 10-11, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011; nghe các tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tố cáo; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Lưu trữ và nghe các báo cáo thẩm tra các dự án luật nói trên.

Minh bạch hóa thị trường chứng khoán

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (CK), các đại biểu tập trung vào năm nhóm vấn đề chính là phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật; quy định về sở hữu CK doanh nghiệp; hoạt động kinh doanh CK; cơ chế công bố thông tin của các đơn vị tham gia hoạt động CK; quy định về chào bán và không phải chào bán CK trên thị trường.

Các ý kiến phát biểu đều cho rằng, mặc dù Luật Chứng khoán mới thực hiện hơn ba năm nhưng việc sửa đổi Luật Chứng khoán là cần thiết, nhằm kiểm soát và giúp thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững. Các đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề cập địa vị pháp lý của Ủy ban CK nhà nước cho rằng, nên giao cho Ủy ban CK nhà nước quyền xác minh những hành vi vi phạm trong hoạt động CK, nhằm tăng cường quản lý trong hoạt động này. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, cần để Ủy ban CK nhà nước hoạt động độc lập (hiện nằm trong Bộ Tài chính), nhằm tách quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh CK. Các đại biểu này cũng đề nghị có cơ chế để các đơn vị tham gia hoạt động CK cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ nhằm minh bạch hóa thị trường và thu hẹp thị trường ngầm, thị trường tự do. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua giám sát cho thấy, bức xúc hiện nay trong hoạt động CK là thiếu tính minh bạch. Ðại biểu này cho rằng, tác hại của 'cơn sốt' trên  thị trường CK cuối năm 2006, đầu năm 2007 đến nay chưa hết, trong đó nguyên nhân chính dẫn đến 'cơn sốt' đó là do thiếu tính minh bạch. Ðại biểu Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) đề nghị, luật cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ; bổ sung quy định và chế tài công bố thông tin cũng như có biện pháp kiểm soát tính chân thật của thông tin. Ðặc biệt, chú trọng kiểm soát từ đầu quá trình công bố thông tin, vì hậu quả thiệt hại do thông tin sai rất lớn. Ðối với các đơn vị công bố thông tin sai lệch, đề nghị nêu danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một số loại hình kinh doanh CK vào luật; kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập các công ty CK, công ty quản lý quỹ... nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh, tránh việc thành lập ồ ạt các công ty trong thời gian qua.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và hoạt động chứng khoán. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, việc thành lập công ty CK thời gian qua rất dễ dàng, khó kiểm soát. Sắp tới, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng nghiên cứu nâng thêm tiêu chí thành lập công ty CK để đáp ứng việc kiểm soát, tăng tính an toàn thị trường. Bộ trưởng cũng tán thành việc tăng thẩm quyền cho Ủy ban CK nhà nước, nhằm giải quyết kịp thời những phát sinh trong hoạt động CK và giúp kiểm soát thị trường.

Bội chi NSNN năm 2011 bằng 5,3% GDP

Sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2010, dự toán NSNN năm 2011 và dự thảo Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2011, các đại biểu nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của QH Ðinh Văn Nhã, thành viên Ðoàn thư ký kỳ họp trình bày toàn văn dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2011 của QH. Theo dự thảo Nghị quyết, tổng số thu cân đối NSNN năm 2011 là 595.000 tỷ đồng, tương đương 26,2% tổng sản phẩm trong nước; tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011 thì tổng số thu cân đối NSNN là 605.000 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN năm 2011 là 725.600 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN năm 2011 là 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước. Nghị quyết của QH đưa ra tám nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp để giảm bội chi NSNN năm 2011, và giảm dần trong các năm sau. Xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ và quản lý chặt chẽ chi NSNN, triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN cũng như các nguồn tài chính công khác. Nghị quyết cũng cho biết, từ ngày 1-5- 2011, điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng; lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%; phụ cấp thâm niên ngành giáo dục.

QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2011, với  80,12 % tổng số đại biểu tán thành.

Nhiều quy định mới trong các dự án Luật: Tố cáo, Kiểm toán độc lập, Lưu trữ

Buổi chiều, QH nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Tố cáo, nêu rõ việc xây dựng Luật Tố cáo nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Ðảng về công tác giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Dự thảo Luật Tố cáo quy định một số điểm mới cơ bản về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực; việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo; việc xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của người giải quyết tố cáo; việc tố cáo tiếp; bảo vệ người tố cáo. Ngoài ra, dự thảo Luật này cũng quy định việc tố cáo và giải quyết tố cáo của cá nhân nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo. Theo đó, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Tố cáo đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc xây dựng Luật Tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là bảo đảm công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả.

Tiếp đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Kiểm toán độc lập. Tờ trình nêu rõ, việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, tạo ra một khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với dịch vụ kiểm toán; đáp ứng được yêu cầu hội nhập và góp phần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán. Dự án Luật Kiểm toán độc lập quy định một số nội dung như quản lý Nhà nước hoạt động kiểm toán độc lập; tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; đối tượng kiểm toán bắt buộc; tiêu chuẩn kiểm toán viên và điều kiện dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên; điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán và hình thức hành nghề kiểm toán; các loại hình doanh nghiệp kiểm toán, điều kiện thành lập và hoạt động...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Kiểm toán độc lập, nêu rõ tuy cơ bản nhất trí với dự thảo Luật nhưng vẫn còn một số ý kiến đề nghị đưa tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Báo cáo thẩm tra cũng đề cập một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập và tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; quy định liên quan kiểm toán viên hành nghề; doanh nghiệp kiểm toán; báo cáo kiểm toán; kiểm toán bắt buộc.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Lưu trữ. Theo đó, việc xây dựng và ban hành Luật Lưu trữ là yêu cầu khách quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Những điểm mới của dự thảo Luật Lưu trữ gồm hệ thống lưu trữ lịch sử và thẩm quyền thu thập tài liệu của Lưu trữ lịch sử; Chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác lưu trữ; Thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử; Công khai, đơn giản hóa thủ tục sử dụng tài liệu lưu trữ; Việc sao tài liệu lưu trữ, cấp chứng thực lưu trữ và giá trị pháp lý của chứng thực lưu trữ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Lưu trữ. Ủy ban Pháp luật nhất trí nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật có một số vấn đề liên quan đến hoạt động lưu trữ cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hoặc giải trình kỹ hơn như chế độ thu thập, bảo quản, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ...

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác