Xử lý nghiêm các vi phạm về đo lường
Thảo luận về dự án Luật Ðo lường, đa số ý kiến đại biểu thống nhất báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của QH về dự án luật này, trong đó có sự cần thiết ban hành và phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần điều chỉnh toàn diện hơn hoạt động đo lường bao gồm cả đo lường khoa học và đo lường công nghiệp và cần có một số điều khoản hoặc thêm một chương về đo lường khoa học. Các ý kiến phát biểu đồng tình dự thảo Luật đã đưa ra hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, đáp ứng được yêu cầu hội nhập hiện nay, quy định về quản lý về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn (Ðiều 24) là cần thiết.
Liên quan quản lý nhà nước về đo lường (chương VI), trong dự thảo Luật có những quy định chưa rõ, do vậy nhiều đại biểu đề nghị phải quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và địa phương trong từng lĩnh vực về đo lường, tránh trùng lặp. Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ cần thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo lường và tiến hành thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này. Ngoài quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, dự thảo Luật cần xem xét bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường của UBND cấp huyện, xã vì hoạt động đo lường cũng như vi phạm pháp luật về đo lường diễn ra chủ yếu tại cấp cơ sở, tại các chợ, cửa hàng nhỏ, lẻ. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu băn khoăn, dự thảo Luật này một mặt phải quy định rất sâu về kỹ thuật nhưng cũng phải tính toán tới vấn đề xã hội về đo lường để bảo đảm khi thực thi đạt hiệu quả cao trong cuộc sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng bởi tình trạng cân điêu, gian lận tại các cây xăng, xe ta-xi... vẫn còn phổ biến trong hoạt động mua bán, giao dịch truyền thống. Về chính sách của Nhà nước đối với đo lường, dự thảo Luật cần quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân thiết lập, duy trì và công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế khi thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, hạn chế tranh chấp về đo lường.
Các đại biểu tham gia thảo luận cũng đề cập một số nội dung cần được nghiên cứu, bổ sung và chỉnh lý cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như: pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; về khiếu nại, tố cáo; về hình sự và về xử lý vi phạm hành chính... Có ý kiến cho rằng, cần nâng cao hơn nữa mức xử phạt vi phạm pháp luật về đo lường, chế tài xử phạt phải nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn các trường hợp tái phạm. Ðại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu, quy định rõ hơn về điều kiện và quyền của các tổ chức, cá nhân sửa chữa phương tiện đo lường. Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật còn nhiều điều khoản quy định chung chung, phải có văn bản hướng dẫn thi hành. Theo một số đại biểu, qua nghiên cứu cho thấy Luật Hình sự chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân vi phạm pháp luật về đo lường mà không quy định truy cứu trách nhiệm tổ chức vi phạm về đo lường, do đó Ðiều 47 quy định xử lý vi phạm pháp luật về đo lường trong dự thảo Luật cần chỉnh sửa hợp lý hơn.
Hiệu quả thiết thực từ dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất
Ðánh giá về tình hình thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, nhiều đại biểu ghi nhận thành công của dự án sau 13 năm triển khai, đã hoàn thành cơ bản tất cả các gói thầu, hạng mục, đã được chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào vận hành thương mại ổn định ở 100% công suất thiết kế, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn thiết kế. Ðến nay, sản phẩm nhà máy đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên thô của đất nước; tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế đối với tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và thúc đẩy kinh tế khu vực miền trung của đất nước nói chung.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại của dự án như dự án đã chậm tiến độ chín năm so với Nghị quyết số 07/1997/QH10 của QH khóa X. Tiến độ nghiệm thu, bàn giao nhà máy bị chậm khoảng bảy tháng, nguyên nhân chủ yếu do sự cố hỏng van bít PV-1501 của phân xưởng Crắc-king xúc tác. Do đó, càng phải chú trọng tới vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối khi vận hành Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Trong khi khả năng chữa cháy của lực lượng công an địa phương còn hạn chế, về mặt nguyên tắc tuyệt đối không được để xảy ra cháy nổ, cần có những quy định rất chặt chẽ, chấp hành nghiêm các tiêu chí về kỹ thuật, phòng, chống cháy nổ, xây dựng lực lượng PCCC cấp T.Ư và chuẩn bị chu đáo các phương án kịp thời ứng phó, xử lý khi có sự cố xảy ra.
Các đại biểu cho rằng, qua việc triển khai thực hiện dự án này đã có thêm kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước đối với công trình quan trọng quốc gia; công tác di dân, bồi thường, giải phóng mặt bằng, bài học kinh nghiệm về hiệu quả công trình. Từ đó rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu mới như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng như các công trình trọng điểm khác. Cần tính toán việc quy hoạch của ngành dầu khí cả về kho chứa, bảo đảm điều tiết của Chính phủ nhịp nhàng, hiệu quả, khắc phục tình trạng vẫn nhập dầu trong khi có giai đoạn nhà máy tồn kho nhiều dầu.
Một số đại biểu băn khoăn, mặc dù nhà máy đã đưa vào hoạt động 100% công suất, nhưng công tác di dân, tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn bộc lộ hạn chế. Ðiển hình là tình trạng trộm cắp, đánh nhau giữa lao động nhập cư và dân địa phương, nơi ở mới của người dân di dời khó khăn, việc tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc tại nhà máy hạn chế và đề nghị cần sớm có giải pháp khắc phục triệt để. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực công nghệ cao.
Nhiều đại biểu thống nhất với Ủy ban KHCN&MT đề nghị QH xem xét ban hành Nghị quyết về việc công nhận kết thúc xây dựng công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nhà máy mới chỉ đưa vào vận hành thương mại được sáu tháng, nên chưa cần thiết ban hành ngay Nghị quyết mà cần có thêm thời gian để đánh giá đầy đủ, chính xác hiệu quả kinh tế của dự án. Về hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường, báo cáo kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất cần đề cập rõ hơn về hiệu quả tác động của nhà máy với kinh tế vùng khu vực miền trung. Có đại biểu đề nghị, báo cáo cần đề cập thêm về thời điểm thu hồi vốn khi đã đầu tư ba tỷ đô-la vào dự án, hiệu suất sinh lời qua chênh lệch giữa giá thành sản phẩm của Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất với giá xăng, dầu nhập về. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị báo cáo cần bổ sung về trình độ tiếp cận và làm chủ công nghệ của nhà máy.
Cần bảo vệ người tố cáo và người bị tố cáo
Thảo luận dự án Luật Tố cáo, các ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Tố cáo. Các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo; chủ thể tố cáo; trách nhiệm giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; tố cáo và giải quyết tố cáo trong trường hợp không rõ họ tên người tố cáo; các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Về chủ thể tố cáo, nhiều đại biểu cho rằng, chủ thể tố cáo chỉ có thể là công dân, không nên đưa thêm chủ thể là tổ chức vào luật như đề xuất của Chính phủ. Vì chủ thể tố cáo có quyền và trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và bị xử lý nếu cung cấp thông tin sai sự thật. Do vậy, nếu chủ thể tố cáo là tập thể, sẽ không thể xử lý nếu việc tố cáo là sai sự thật, là vi phạm pháp luật. Ðối với các trường hợp đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, một số đại biểu băn khoăn và cho rằng, đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ cụ thể của người tố cáo, để các cơ quan chức năng có cơ sở giải quyết cũng như nâng cao trách nhiệm của người công dân trong hoạt động tố cáo. Ngay trong dự thảo Luật cũng đã đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ người tố cáo an toàn. Do vậy không nên thừa nhận tính pháp lý của đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Tuy nhiên, một số đại biểu lại đề nghị luật có cơ chế thích hợp để tiếp nhận, giải quyết đối với những đơn tố cáo mà người tố cáo không dám đứng tên, hoặc đề nghị giấu tên, nhưng đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra.
Ðối với quy định bảo vệ người tố cáo, nhiều đại biểu cho rằng, luật đưa ra các quy định để bảo vệ người tố cáo là điều cần thiết, nhằm bảo vệ an toàn cho người tố cáo. Tuy nhiên, luật cũng cần quy định các biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, vì trên thực tế, nhiều người bị tố cáo đã bị đe dọa, lăng mạ, thậm chí hành hung.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc giải quyết đơn tố cáo đối với người vừa là cán bộ nhà nước, vừa là đảng viên thuộc cấp ủy cấp trên quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, phải có chế tài và quy trình cụ thể đối với các trường hợp này. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc đơn tố cáo đã bị chuyển lòng vòng từ chính quyền sang cấp ủy, từ cấp ủy lại chuyển về chính quyền, vì các cơ quan này đều cho rằng, không thuộc phạm vi xử lý của mình.
Một số ý kiến nhận xét, công tác giải quyết tố cáo thời gian qua có lúc, có nơi làm không đến nơi đến chốn, cho nên người tố cáo gửi đơn nhiều nơi, gửi đơn vượt cấp. Do vậy, đề nghị luật có quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người giải quyết tố cáo nếu cố tình kéo dài, gây khó khăn trong việc giải quyết. Bên cạnh đó, đối với hành vi tố cáo sai sự thật, người tố cáo phải bồi thường vật chất, nhân phẩm, thậm chí bị truy tố nếu vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng.