Ngày làm việc thứ 20, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII: Thảo luận dự án Luật Lưu trữ

13/11/2010

* Trình hai dự án Luật Ngày 12-11, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 20. Buổi sáng các đại biểu thảo luận tại tổ dự án Luật Lưu trữ. Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và nghe các báo cáo thẩm tra về các dự án Luật nói trên.

Các đoàn đại biểu QH thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bắc Ninh thảo luận ở tổ.

Cần thống nhất hệ thống lưu trữ quốc gia

 

Thảo luận dự án Luật Lưu trữ, các ý kiến phát biểu tán thành việc ban hành Luật Lưu  trữ  thay  cho Pháp lệnh Lưu trữ hiện hành đang nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Việc ban hành Luật góp phần định hướng việc xây dựng cơ chế quản lý, phát huy giá trị đích thực của tài liệu lưu trữ quốc gia; nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương xã hội hóa công tác lưu trữ như tinh thần của dự án Luật, nhưng đề nghị phải có những quy định chặt chẽ để quản lý hoạt động của loại hình này, tránh tình trạng có thể mua bán tài liệu, trong đó có những tài liệu quan trọng, liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia. Việc thành lập Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo đó, nhiều đại biểu nhất trí với quan điểm của Ủy ban Pháp luật cho rằng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với quốc gia, nên việc xác định giá trị tài liệu phải hết sức cẩn trọng, theo một quy trình chặt chẽ, không được chủ quan, phiến diện. Việc xác định giá trị tài liệu là công việc đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu và phải do một tập thể đề xuất để quá trình xem xét, đánh giá được chính xác, kỹ lưỡng. Các đại biểu đề nghị, Luật cần quy định cụ thể về Hội đồng xác định giá trị tài liệu và phải coi hoạt động của Hội đồng này là quy trình nghiệp vụ bắt buộc trong quá trình xem xét, quyết định lựa chọn tài liệu để lưu trữ.

 

Một số ý kiến đề nghị, cần tăng cường các biện pháp lưu trữ bằng các phương tiện hiện đại, dần từng bước hạn chế việc lưu trữ bằng chất liệu giấy, nhằm giảm bớt sự cồng kềnh trong các kho lưu trữ, đồng thời mất nhiều thời gian khi có nhu cầu tra cứu.

 

Khắc phục bất cập trong quá trình thi hành Bộ Luật tố tụng dân sự

 

Buổi chiều, QH nghe Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

 

 Tờ trình cho biết, qua thực tiễn thi hành BLTTDS trong những năm qua cho thấy một số quy định của BLTTDS đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS là cần thiết, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tiếp tục từng bước hoàn thiện một cách căn bản hệ thống pháp luật tố tụng dân sự nói chung và BLTTDS nói riêng. Bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự, đồng thời tạo điều kiện để Tòa án thực hiện tốt hơn công tác xét xử. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS trình QH sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 61 điều (sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 12 điều; bãi bỏ 6 điều). Những nội dung liên quan việc bổ sung một số điều vào dự thảo Luật bao gồm việc bổ sung về nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác. Ngoài ra trong dự thảo Luật còn bổ sung về phương thức hòa giải và trình tự hòa giải; việc hỏi tại phiên tòa; về thẩm quyền của Toà án đối với những tranh chấp lao động mà các bên đã hòa giải thành nhưng không thực hiện; về sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự; và về hình thức văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và xuất trình tài liệu kèm theo.

 

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, nêu rõ Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi của dự án Luật được nêu trong Tờ trình của TANDTC. Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong điều kiện chưa sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS như trong dự thảo Luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành BLTTDS; những quy định không thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác; đáp ứng các yêu cầu cam kết quốc tế và cải cách tư pháp và hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự. Ðồng thời, nội dung của dự thảo Luật cũng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi và thống nhất với hệ thống pháp luật.

 

Giải quyết tồn tại trong thực tiễn phát triển hợp tác xã

 

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày nội dung Tờ trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Tờ trình nêu rõ: Luật Hợp tác xã (HTX) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004 đã thể chế hóa một bước quan điểm mới của Nghị quyết số 13/NQ-T.Ư Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành T.Ư (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Sau sáu năm thực hiện, Luật HTX đóng góp đáng kể trong việc phát triển kinh tế hợp tác, góp phần vào việc hoàn thiện quan hệ sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, khu vực HTX còn có một số tồn tại chủ yếu. Theo kết quả điều tra cho thấy, khu vực HTX phát triển chưa thật sự vững chắc, còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém kéo dài. Nhiều HTX hoạt động hình thức, hoặc lúng túng trong xây dựng phương án tổ chức hoạt động, chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên. Tổ chức HTX chưa hấp dẫn nhân dân, pháp nhân tham gia.

 

Thực tế đó cho thấy cần thiết ban hành Luật HTX (sửa đổi) nhằm bảo đảm thúc đẩy kinh tế HTX phát triển lành mạnh, bền vững đúng với bản chất và mục đích thành lập, từ đó đóng góp tích cực hơn, hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên. Dự thảo Luật gồm chín chương, 85 điều (giảm một chương so với Luật HTX năm 2003; tăng thêm 34 điều so với Luật HTX năm 2003). Theo đó, chủ yếu làm rõ hơn bản chất, tổ chức quản lý của HTX; quyền, nghĩa vụ của HTX, thành viên HTX; tiếp thu những quy định pháp luật mang tính cơ bản, ổn định lâu dài được quy định tại các văn bản dưới Luật nhằm bảo đảm tính toàn diện của luật, đồng thời hạn chế tối đa việc ban hành văn bản dưới Luật.

 

Báo cáo thẩm tra dự án Luật HTX (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày, cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật này.  Ðánh giá về mặt nội dung, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, dự thảo Luật nhìn chung vẫn chưa giải quyết triệt để một số bất cập hiện đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của khu vực HTX. Cụ thể, các quy định của dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ được hai vấn đề có tính căn bản đặt ra hiện nay của các HTX. Ðó là làm rõ và khẳng định được bản chất, tính đặc thù của HTX trong tương quan với các loại hình doanh nghiệp khác; và chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp và chế tài xử lý các hành vi vi phạm, tạo điều kiện cho HTX phát triển nhưng không sai lệch bản chất. Nhiều quy định trong dự thảo Luật còn rất chung chung, khó áp dụng, một số quy định chưa dựa trên việc xem xét, cân nhắc kỹ tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của các HTX đang tồn tại, dẫn đến nếu áp dụng sẽ lại gây ra những khó khăn cho sự phát triển khu vực HTX.

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác