Ngày làm việc thứ 23, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII: Thảo luận hai dự án: Luật Thủ đô và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự

18/11/2010

Ngày 16-11, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII sang ngày làm việc thứ 23. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Thủ đô. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

Thảo luận dự án Luật Thủ đô, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Dự án Luật được chuẩn bị công phu, theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị khá đầy đủ và có chất lượng. Dự án Luật gồm bốn chương, 35 điều. Nhiều đại biểu đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH đã nghiên cứu và có những nhận định sâu sắc, chính xác, khách quan về dự thảo luật này.

Dự thảo Luật quy định Thủ đô có thể áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú (khoản 2 Ðiều 25); quy định việc thu phí lưu thông đối với một số phương tiện giao thông ở nội thành (điểm c khoản 3 Ðiều 23); quy định mức thu phí trong nội thành cao hơn mức thu áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải (khoản 3 Ðiều 26). Ðây là những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận. Ðại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và một số đại biểu khác đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu kỹ và làm rõ hơn những nội dung nói trên để phù hợp với thực tế của Hà Nội mở rộng. Chẳng hạn, cần quy định cụ thể thế nào là khu vực nội thành, ngoại thành để nhân dân hiểu chính xác, thống nhất. Việc quy định mức tiền phạt những vi phạm hành chính ở nội thành Thủ đô cao hơn các địa phương khác là chưa hợp lý. Thực tế cho thấy, việc thu phí cao hơn hay có mức phạt cao hơn chưa chắc đã giải quyết triệt để những vi phạm trong xây dựng, sử dụng đất đai... Các đại biểu này cũng đề nghị, không nên đặt vấn đề thu phí giao thông cao hơn bởi sẽ tạo thêm gánh nặng cho nhân dân Thủ đô và không thể vì thu phí mà có thể giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông. Quy định này chỉ có thể được triển khai trong thực tế cuộc sống nếu được người dân Thủ đô nhất trí, ủng hộ. Vì vậy, nên lấy ý kiến góp ý của nhân dân Thủ đô trước khi ban hành những quy định cụ thể. Ban Soạn thảo nên nghiên cứu việc tăng mức phạt ở các lĩnh vực khác, bên cạnh sáu lĩnh vực mà dự thảo Luật đã đề cập. Bên cạnh đó, Thủ đô cần có đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được từ khi mở rộng đến nay để từ đó nghiên cứu, ban hành những quy định phù hợp trong dự thảo Luật.

Nhiều đại biểu quan tâm quy định về những cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô và đề nghị cần làm rõ quy chế đặc thù nào được áp dụng lâu dài, quy chế nào là tạm thời. Tuy nhiên các ý kiến này cũng cho rằng, không nên đưa ra cơ chế đặc thù lâu dài mà ưu tiên cho Thủ đô theo từng giai đoạn nhất định. Về quản lý dân cư, một số ý kiến quan niệm, Thủ đô nên quản lý và đáp ứng nhu cầu đến Thủ đô lập nghiệp của người dân bằng việc phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội, nhất là quy hoạch, không nên áp dụng những hình thức quản lý hành chính; không nên hạn chế người dân đến với Thủ đô mà cần biết tận dụng nguồn nhân lực này để tham gia xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Ðại biểu Ðặng Văn Khanh (Hà Nội) cho rằng, những quy định chính sách đặc thù dành cho Thủ đô trong dự thảo Luật còn dàn trải, chung chung, thiếu cụ thể. Ðề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu và sắp xếp lại cho hợp lý. Ðại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) nêu vấn đề, dự thảo Luật không nên có những quy định được gọi đặc thù cho Thủ đô để tránh những cách nhìn nhận không thống nhất, mà cần có những chính sách cụ thể, thiết thực để phát triển Thủ đô. Ðại biểu Ðặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu và soạn thảo lại Luật Thủ đô để đáp ứng những yêu cầu của pháp luật, đặc biệt là cần làm rõ thế nào là những chính sách đặc thù dành cho Thủ đô.

Các đại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) cho rằng, trước khi xây dựng Luật Thủ đô, cần xây dựng Luật Ðô thị để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới vừa có nền tảng vững vàng cho việc xây dựng Luật Thủ đô. Những đặc thù của Thủ đô được nêu trong dự án Luật chưa rõ nét và đó là những đặc thù của các đô thị lớn nói chung, chưa phải là đặc thù của Thủ đô. Trước mắt, các cơ quan chức năng Hà Nội cần nâng cao chất lượng giao thông, điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần... cho người dân Thủ đô trước khi có một đạo luật hoàn chỉnh.

Về Ðiều 7 của dự thảo Luật quy định việc tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô, có đại biểu nêu vấn đề, có cần thiết đưa ra việc khen thưởng, vinh danh đối với những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô hay không?  Nếu thấy cần thiết, những quy định  về danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô cần được nghiên cứu kỹ hơn để tránh sự phân biệt giữa người ở Hà Nội và không ở Hà Nội, đồng thời phù hợp với những quy định khác của luật pháp. Có ý kiến đề nghị, không  nên quy định vấn đề này trong dự thảo Luật. Có đại biểu lại cho rằng, việc dự thảo luật quy định danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô là cần thiết và không trái với quy định ở các luật hiện hành khác.

Ðại biểu Lê Văn Học (Lâm Ðồng) quan tâm việc chuyển các trường đại học, bệnh viện ra khỏi các quận nội thành và cho rằng, đây là công việc rất khó khả thi trong thực tế cuộc sống, bởi cần một lượng kinh phí rất lớn. Trong khi đó, nhiều cán bộ, giáo viên không muốn chuyển ra khỏi nội thành bởi đi lại và các điều kiện khác còn rất khó khăn. Ðại biểu Ðào Trọng Thi (Hà Nội) cho rằng, không nên có quy định Hà Nội có chương trình phổ thông nâng cao riêng cho học sinh Thủ đô bởi điều này có thể là gánh nặng cho học sinh Thủ đô trong học tập. Ðại biểu Ngô Ðức Mạnh (Bình Phước) đề nghị, dự thảo Luật không nên quy định quá nhiều lĩnh vực trong cuộc sống mà chọn ra những vấn đề thật sự cần thiết để giúp Thủ đô phát triển để tập trung, nghiên cứu. Các điều khoản của Luật cần được quy định cụ thể hơn nữa và tránh sự trùng lặp với những luật khác.

Bảo đảm dân chủ trong xét xử án dân sự

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

Các ý kiến phát biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS là cần thiết, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tiếp tục từng bước hoàn thiện một cách căn bản hệ thống pháp luật tố tụng dân sự nói chung và BLTTDS nói riêng. Bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự và tạo điều kiện để Tòa án thực hiện tốt hơn công tác xét xử. Ðồng thời, nội dung của dự thảo Luật cũng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi và thống nhất với hệ thống pháp luật.

Nhiều đại biểu đồng tình với việc bổ sung một số nội dung cần thiết vào luật như bảo đảm quyền tranh luận giữa các bên tranh chấp, quy định phương thức hòa giải, trình tự hòa giải khi phát sinh tranh chấp, về sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự... Ðặc biệt, dự thảo Luật bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu đã được quy định tại BLTTDS năm 2004. Những quy định trên bảo đảm tính dân chủ, quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự, góp phần vào Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Một số đại biểu cho rằng, quy định trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền cho tòa án, cho đương sự nhằm phục vụ quá trình xét xử là cần thiết. Thực tế, hiện nay việc cung cấp chứng cứ rất khó khăn và là một trong những nguyên nhân gây kéo dài thời gian của các bản án. Bên cạnh đó, Luật cần quy định biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức lưu giữ tài liệu mà không cung cấp khi tòa án, đương sự yêu cầu. Cùng với đó, công tác định giá tài sản cũng đang là vấn đề khó khăn, vì việc mời Hội đồng định giá không phải lúc nào cũng thực hiện được, thậm chí có trường hợp Hội đồng này né tránh, sợ trách nhiệm. Do vậy, Luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong định giá tài sản.

Ðề cập công tác kiểm sát án dân sự, nhiều đại biểu cho rằng, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự là điều rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp. Thời gian qua, công tác xét xử các vụ án nói chung và án dân sự nói riêng còn hạn chế, yếu kém, trong khi hoạt động giám sát của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) chưa theo kịp. Do vậy, Luật bổ sung quy định nhằm nâng cao vai trò của Viện KSND trong giám sát hoạt động tố tụng dân sự là điều cần thiết. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, đại diện Viện KSND nên tham gia kiểm sát từ giai đoạn đầu của vụ án, nhằm bảo đảm tính chính xác, nghiêm minh.

Một số đại biểu góp ý, hiện có hai hệ thống hòa giải là hòa giải do Tòa án tổ chức (nằm trong quy trình tố tụng) và hòa giải tư pháp do tổ dân phố tổ chức thực hiện (nằm ngoài quy trình tố tụng). Ðiều này gây một số khó khăn trong quá trình xét xử do kết quả hòa giải tư pháp không có tính pháp lý cao. Do vậy, Luật cần nghiên cứu, đưa ra quy định, nhằm tăng tính  pháp lý của biện pháp hòa giải tư pháp.

Cùng với trình tự, thủ tục tố tụng, một số đại biểu đề nghị nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội tại phiên tòa, nhằm tiếp thu ý kiến của các tổ chức xã hội, nâng cao tính giám sát của cộng đồng, góp phần tạo điều kiện cho việc thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác