PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH LONG, NGUYỄN THỊ MINH TRANG: CHỦ ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐƯA CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA KỲ HỌP THỨ 5 SỚM ĐI VÀO CUỘC SỐNG

06/07/2023

Đánh giá về thành công của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV nhất là trong công tác lập pháp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang khẳng định, mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, kết quả biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết đã đạt tỉ lệ tán thành rất cao. Đặc biệt, chủ trương tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa các luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH LONG: TÍCH CỰC, TRÁCH NHIỆM, GÓP PHẦN VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thưa đại biểu, sau gần một tháng làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ họp ?

Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5-10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6-24/6/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Nổi bật trong công tác lập pháp của Kỳ họp thứ 5 này là Quốc hội đã biểu quyết thông qua 8 luật, 17 nghị quyết đều với tỷ lệ tán thành rất cao. Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Có thể thấy, đây là kỳ họp với khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay nhưng nhờ có sự chuẩn bị rất tích cực, cầu thị, cẩn trọng và kỹ lưỡng của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành cũng như sự nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ của các đại biểu Quốc hội nên kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ những nội dung chương trình đã đề ra với chất lượng rất cao.

Trong đó, kết quả công tác lập pháp là dấu ấn nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành công chung của kỳ họp. Với kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp này, cho đến nay Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành tới 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ khóa XV, đạt tỷ lệ 81,8%.

Nhìn lại bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay cho thấy, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, nhiều vấn đề mới phát sinh, nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”. Từ đó đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp.

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tôi đặc biệt ấn tượng với thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách,” lồng ghép “lợi ích nhóm," lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ đã có trong kế hoạch và nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm các nhiệm vụ lập pháp cần thiết để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá…; xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…để báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.

Những yêu cầu này cũng đã được thể hiện rõ nét, chỉ rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành rất cao. Điều này vừa làm cơ sở cho các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện vừa để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát. Khẳng định ý chí, quyết tâm của Quốc hội trong việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật để kiến tạo cho sự phát triển và vì sự phát triển của đất nước, có mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 5, cách thức tổ chức kỳ họp đã có sự đổi mới, chia thành 2 đợt họp. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

Chúng tôi cho rằng, kỳ này Quốc hội đã có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp khi Quốc hội cho nghỉ khoảng thời gian một tuần giữa 02 đợt của Kỳ họp.

Thứ nhất, để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan bàn bạc, thảo luận ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo đối với vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn như về kỹ thuật lập pháp, các điều khoản áp dụng pháp luật, chuyển tiếp… đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thứ hai, đối với các vị đại biểu Quốc hội cũng có thời gian giải quyết công việc cấp bách của địa phương và có thời gian để nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng các nội dung trước khi bấm nút thông qua, góp phần làm cho kỳ họp thành công rực rỡ.

Từ thành công của kỳ họp cho thấy sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ sớm, từ xa góp phần bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành cao. Đại biểu có thể chia sẻ thêm một số kinh nghiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long để chuẩn bị cho kì họp và những việc cần làm sau kì họp?

Đối với Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Đoàn đại biểu đã chỉ đạo các vị đại biểu chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung liên quan liên quan đến kỳ hợp, đặc biệt là việc đóng góp ý kiến cho các dự án Luật, các Nghị quyết của Quốc hội, tình hình kinh tế xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngân sách nhà nước..... Từ đó, các vị đại biểu đã có sự chuẩn bị chu đáo về mặt nội dung, tích cực tham gia phát biểu tại tổ và hội trường.

Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tiếp xúc cử tri chuyên đề sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Trước thềm kì họp thứ 5, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động lên kế hoạch và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý về các dự án luật sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp. Các ý kiến góp ý được Đoàn tổng hợp một cách đầy đủ và gửi đến cơ quan thẩm tra để có nghiên cứu tiếp thu. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử và tiếp xúc cử tri chuyên đề để ghi nhận tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Ý kiến, kiến nghị cử tri cũng được Đoàn tổng hợp để gửi đến Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Tại kỳ họp đã có 24 lượt phát biểu thảo luận, trong đó 05 lượt phát biểu tại hội trường và 01 lượt chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương bình và Xã hội, 18 lượt phát biểu tại tổ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều trường hợp các đại biểu trong Đoàn bấm nút phát biểu nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian nên không được phát biểu tại hội trường. Do đó, các đại biểu đều trách nhiệm và hoàn thiện một cách chi tiết để gửi ý kiến bằng văn bản để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp.

Ngay sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã khẩn trương xây dựng Kế hoạch tiếp xức cử tri để báo cáo với cử tri và Nhân dân về kết quả sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đối với 22 xã, phường, thị trấn thuộc 08 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra Đoàn còn tổ chức 01 cuộc tiếp xúc chuyên đề đối với các hộ tiểu thương trên địa bàn thành phố Vĩnh Long. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH đã lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến sát đáng có liên quan đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Đây là cơ sở để các đại biểu chuyển đến nghị trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 để thảo luận cho ý kiến.

Trong phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm ngay trong quý III/2023. Đại biểu có đánh giá như thế nào về đổi mới này?

Tôi đặc biệt đánh giá cao chủ trương tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm quán triệt triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội. Điều này thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, học tập kinh nghiệm trong việc triển khai các nghị quyết của Đảng, là cách làm mới để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao.

Việc tổ chức hội nghị quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng trong luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để các Bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện pháp luật, đảm bảo cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân am hiểu pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Việc quán triệt đầy đủ các nhiệm vụ được Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ là cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân để tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá. Điều này góp phần bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; hạn chế vi phạm pháp luật, khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội.

Tôi tin tưởng và kỳ vọng vào thành công của hội nghị lần này để tiếp tục duy trì tổ chức cho các lần tiếp theo. Qua đó, tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đại biểu!

Bảo Yến