CẦN QUY ĐỊNH RÕ RÀNG GIỮA TỪNG LOẠI, TỪNG CẤP ĐỘ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

30/07/2024

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề nghị cần quy định rõ ràng giữa từng loại, từng cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời đảm bảo về nguyên tắc và kinh phí, nguồn lực hỗ trợ trong hoạt động quy hoạch.

HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

Nhiều điểm mới trong phân cấp, phân quyền, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch nhận định, Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung sau Kỳ họp thứ 7 đã có nhiều nội dung mới tích cực đáng chú ý. Nổi bật trong đó là dự thảo Luật đã quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn theo các loại và cấp độ quy hoạch (Điều 3 dự thảo Luật); xác định, làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, rút gọn trình tự lập quy hoạch khi không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã); không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ.

Dự thảo Luật cũng tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn: Phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới; điều chỉnh cục bộ quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ... Việc phân cấp đảm bảo kế thừa, ổn định hệ thống pháp luật. Luật đã điều chỉnh trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới theo hướng phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị; điều chỉnh phân cấp việc thống nhất bằng văn bản đối với quy hoạch chung đô thị loại IV cho Cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đề xuất bổ sung cơ quan nhà nước có chức năng thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn như Đại học Quốc gia, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp.

Theo các chuyên gia, một điểm đang chú ý là dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch: Kinh phí chi đầu tư công được sử dụng cho Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; Kinh phí chi thường xuyên được sử dụng cho quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch chi tiết các khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...; Kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ được nhập vào nguồn ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật; Kinh phí của cơ quan, tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực được giao đầu tư.

Quy định rõ ràng giữa từng loại, từng cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện luật, đặc biệt tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về việc cần quy định rõ ràng giữa từng loại, từng cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Tiếp thu các ý kiến này, dự thảo Luật đã quy định rõ quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia được lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát và điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Theo đó, dự thảo Luật quy định 05 loại quy hoạch đô thị và nông thôn: Quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn và đô thị mới; Quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã; Quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng; Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc Trung ương, và Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự thảo Luật quy định rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia

Luật cũng quy định các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn. Cụ thể, lập quy hoạch phân khu tại khu vực đã được lập, phê duyệt quy hoạch chung; các khu chức năng không phải là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu du lịch được định hướng là khu du lịch quốc gia. Đối với đô thị loại III, IV, V: xã, khu chức năng là khu kinh tế và khu du lịch quốc gia đã có quy hoạch chung được lập, phê duyệt thì không phải lập quy hoạch phân khu.

Về mối quan hệ của quy hoạch đô thị và nông thôn, nhiều chuyên gia nêu rõ, nhóm chính sách đầu tiên trong 03 nhóm chính sách của dự án Luật là hoàn thiện hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự thảo Luật đã quy định tại Điều 3 bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và cụ thể hóa dần theo các cấp độ quy hoạch. Quy định về mối quan hệ giữa từng loại, từng cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các dự án đầu tư xây dựng hoặc các hoạt động đầu tư xây dựng khác đã được quy định, tuy nhiên, yêu cầu này cần có sự phối hợp với quy định của các pháp luật khác liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư. Cơ quan soạn thảo đã rà soát dự thảo Luật để hoàn thiện quy định theo hướng rõ ràng hơn mối quan hệ giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành khác.

Cùng với đó, dự thảo Luật cũng bổ sung làm rõ mối quan hệ của quy hoạch đô thị và nông thôn, cụ thể: Các loại loại quy hoạch đô thị và nông thôn cụ thể hóa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và được lập đồng thời. Cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn được lập để cụ thể hóa các nội dung định hướng phát triển đối với phạm vi được lập quy hoạch và làm cơ sở quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Trong đó, quy hoạch chung làm cơ sở, căn cứ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung và làm cân sở, căn cứ lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.

Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn

Nghiên cứu sâu về vấn đề quy hoạch ngầm- một vấn đề mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn đánh giá Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, quy định rõ về quy hoạch không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cần tiếp tục rà soát các quy định về quy hoạch ngầm để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tại các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội.

Ngoài ra, về vấn đề quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, điều này có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập không gian (vật thể), môi trường sống thích hợp cho người dân đô thị, nông thôn; có quá trình phát triển lâu dài và ổn định. Bộ trưởng nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương khác nhau về khái niệm, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng, thời điểm lập, nội dung quy hoạch, vai trò trong quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng, tỷ lệ bản đồ và thời gian dự báo. Vai trò của quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị lập cho thành phố trực thuộc trung ương cũng đã được xác định tại pháp luật liên quan như: Điều 17 Luật Thủ đô năm 2024; khoản 5 Điều 65 Luật Đất đai năm 2024. Tuy nhiên Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để làm rõ các yêu cầu phát triển đối với trường hợp một tỉnh được định hướng phát triển để thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; đảm bảo tính tích hợp, thống nhất trong mối tương quan với các quy hoạch khác./.

Hồ Hương