Cần bổ sung quy định về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quảng cáo

20/09/2024

Tuần sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đây là dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều chuyên gia cho rằng, xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quảng cáo ngày càng phổ biến, do vậy Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các quy định để tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro của việc ứng dụng AI vào hoạt động quảng cáo.

Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo

Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 37, ngày 24/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn

Tại Tọa đàm góp ý cho dự án Luật này, các đại biểu cho rằng, quảng cáo sử dụng AI, nhất là trong quảng cáo số thời gian qua đã và đang tạo ra những đột phá đáng kể, mang lại cả những lợi ích to lớn và những thách thức mới. Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cho rằng, với xu thế này, Cơ quan soạn thảo cần lường trước và tính đến việc đưa các quy định về hoạt động quảng cáo sử dụng AI vào trong dự thảo Luật để đảm bảo tính cập nhật và tuổi thọ lâu dài của Luật khi được ban hành.

Theo ông Bùi Quang Cường, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, việc ứng dụng AI vào hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo số sẽ giúp cá nhân hóa nội dung quảng cáo với từng người. Theo đó, nhà quảng cáo đưa ra một số tài nguyên, dự đoán nhu cầu và lựa chọn nội dung quảng cáo phù hợp với từng người dựa trên dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. “Dựa vào AI, hệ thống sẽ tự động khuyến nghị nội dung quảng cáo gần với họ hơn, không phải nội dung cố định mà ai cũng nhìn thấy”,  ông Bùi Quang Cường nói.

Ông Bùi Quang Cường, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam

Với khả năng phân tích dữ liệu khách hàng, dự đoán xu hướng tiêu dùng và khuyến nghị hiệu quả nội dung quảng cáo, các đại biểu cho rằng, lợi ích của việc sử dụng AI trong quảng cáo là không thể phủ nhận. Việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng thông qua phân tích hành vi, sở thích của từng cá nhân sẽ giúp nhà quảng cáo đưa ra những quảng cáo phù hợp và hấp dẫn hơn, tăng khả năng chuyển đổi đơn hàng. Đồng thời giúp tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch thông qua việc tự động hóa các quy trình, phân tích dữ liệu để tối ưu hóa ngân sách, tăng hiệu quả của chiến dịch quảng cáo.

Bên cạnh đó, AI còn có thể tự động tạo ra các nội dung quảng cáo đa dạng như hình ảnh, video, văn bản, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt trong việc dự đoán xu hướng, AI giúp phân tích dữ liệu thị trường để dự đoán xu hướng tiêu dùng, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra các chiến lược quảng cáo phù hợp và kịp thời. Ngoài ra, để tăng cường trải nghiệm tương tác, AI còn cho phép tạo ra các chatbot, trợ lý ảo để tương tác với khách hàng một cách tự động và cá nhân hóa, tăng cường sự tương tác và độ tin cậy của thương hiệu…

Tuy nhiên điều đáng nói là việc ứng dụng AI vào hoạt động quảng cáo cũng tiểm ẩn một số nguy cơ, ông Bùi Quang Cường, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam băn khoăn về việc người có thể thay thế bằng máy. Từ đó một số nội dung quảng cáo có thể gây hiểu nhầm và cả những vấn đề liên quan đến quyền riêng tư khác (việc thu thập và phân tích dữ liệu cá nhân để cá nhân hóa quảng cáo có thể vi phạm quyền riêng tư của người dùng)…

Không chỉ vậy, AI có còn thể tạo ra các "bong bóng lọc" thông tin, khiến người dùng chỉ tiếp xúc với những thông tin phù hợp với sở thích của họ, hạn chế sự đa dạng và khách quan trong thông tin; đồng thời còn tạo ra các cuộc chiến giá cả bởi AI có thể được sử dụng để theo dõi và phản ứng nhanh chóng với các đối thủ cạnh tranh, dẫn đến các cuộc chiến giá cả khốc liệt có thể tạo hiệu ứng thị trường không ổn định.

Toàn cảnh Tọa đàm

Cùng chung mối lo ngại, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Bình Minh đã có tham luận đóng góp cho Tọa đàm, phân tích rất rõ về những tiềm ẩn rủi ro khi ứng dụng AI trong hoạt động quảng cáo. Theo đó ông cho rằng, khi AI có thể tự động hóa nhiều công việc trong ngành quảng cáo, còn có thể dẫn đến tình trạng nhiều lao động mất việc làm trong ngành quảng cáo truyền thống. Bên cạnh đó, AI có thể tạo ra những quảng cáo gây hiểu lầm, thậm chí là sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng; khó khăn trong việc trong việc quy trách nhiệm và chế tài…

Để giảm thiểu rủi ro và tận dụng tối đa lợi ích của AI trong hoạt động quảng cáo, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Bình Minh đề nghị, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần bổ sung những quy định pháp luật chặt chẽ chủ thể sử dụng AI trong quảng cáo để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, ngăn chặn các hành vi quảng cáo gian lận, cạnh tranh không lành mạnh. Cùng với đó, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về AI cho các nhà quảng cáo, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý, bởi AI là động lực phát triển nhưng cũng nhiều rủi ro cần phải được quản lý. Cùng với đó, xây dựng các quy tắc đạo đức để hướng dẫn việc sử dụng AI trong quảng cáo, đảm bảo rằng AI được sử dụng để phục vụ lợi ích của con người và xã hội; đồng thời đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có đạo đức, có hiểu biết pháp luật, có kiến thức về AI để có thể quản lý và phát triển các công cụ AI một cách hiệu quả, an toàn và bền vững.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu tại Tọa đàm đề nghị, dự thảo Luật cần phải có quy định về phát triển các công cụ giám sát và kiểm soát hoạt động của AI trong quảng cáo, đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách có trách nhiệm; có quy định về định danh nhà quảng cáo sử dụng AI, thông điệp quảng cáo do AI thực hiện và trách nhiệm của các bên tham gia…/.

Thu Phương

Các bài viết khác