Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan cùng các thành viên Hội đồng Dân tộc.
Thường trực Hội đồng Dân tộc họp phiên mở rộng
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe trình bày báo cáo của Chính phủ về việc đánh giá 03 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và báo cáo của Ủy ban Dân tộc về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và dự kiến phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có khoảng 116 chính sách được thể chế qua 173 văn bản gồm các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được phân chia thành 3 nhóm cơ bản: Một là nhóm chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc nhằm giải quyết những khó khăn bức xúc về kinh tế- xã hội của các dân tộc thiểu số. Hai là nhóm chính sách phát triển kinh tế- xã hội theo từng vùng tập trung giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất của từng vùng. Ba là, nhóm chính sách phát triển kinh tế- xã hội theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như phát triển sản xuất, giảm nghèo, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, giáo dục, đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm, bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch; y tế, dân số, công tác cán bộ cơ sở, phổ biến giáo dục pháp luật.
Trong những năm qua nhờ thực hiện tích cực các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo tổn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh trật tự, góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho đồng bào.
Trong năm 2018, tình hình sản xuất và đời sống vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục duy trì ổn định. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được các cấp các ngành thực hiện tốt. Các cơ sở y tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức thường trực cấp, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư thực hiện khám chữa bệnh phục vụ đồng bào. Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện như hỗ trợ gạo kịp thời, thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí. Nhiều địa phương tiếp tục tìm hướng đi mới trong công tác dạy nghề gắn với thị trường lao động và tiêu thụ sản phẩm cho lao động nông thôn nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng nhằm góp phần giảm nghèo bền vững.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tại phiên họp
Về kết quả cụ thể, trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững, tính đến hết năm 2017 bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%, đạt mục tiêu đề ra, trong đó có một số tỉnh có tỷ lệ nghèo giảm trên 5% như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu…Cùng với đó là, xây dựng được nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái; mô hình liên kết cây dược liệu, làng nghề gắn với du lịch homestay. Sản xuất nông lâm nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển theo hướng sản xuất bền vững, tạo sản phẩm hàng hóa; nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, nhiều mô hình được khẳng định trong thực tiễn, giúp nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay vẫn còn là vùng khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao, chiếm tới 52,7% tổng số hộ nghèo cả nước. Vẫn còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng. Cả nước vẫn có 1,2% số xã có đường ô tô không đi lại được quanh năm, 3% số xã chưa có đường đến Ủy ban nhân dân xã được cứng hóa, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc; còn 17 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều bất cập, chỉ có 35,5% số thôn có xử lý rác thải sinh hoạt. Một số địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động, người dân tộc thiểu số học nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hướng dẫn vay vốn sau đào tạo và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, do đó tình trạng thiếu việc làm của thanh niên dân tộc thiểu số đang là vấn đề bức xúc, tỷ lệ thất nghiệp 5,76%, cao gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước (2,34%)…
Cơ bản nhất trí với các nội dung chính trong các báo cáo, các thành viên Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, chu đáo, trách nhiệm, sát vấn đề của Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành liên quan cho thấy bức tranh tương đối toàn diện về tình hình dân tộc thiểu số, miền núi thời gian qua. Qua đó, khẳng định chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong suốt thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành, đi vào cuộc sống phát huy kết quả góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu kết luận phiên họp
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng hiện có quá nhiều chính sách, thiếu tính đồng bộ kết nối giữa các chính sách, một số chính sách còn tản mạn nên hiệu quả thực hiện không cao; một số chính sách còn mang tính chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng miền, văn hóa đặc thù của đồng bào; cơ chế phân bổ vốn, quản lý các chương trình chính sách còn nhiều bất cập, khó lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cũng cần bổ sung làm rõ khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bằng là đang giãn ra hay thu hẹp dần. Việc bố trí, phân bổ nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc đạt bao nhiêu so với nhu cầu, dự toán được phê duyệt. Định hướng, lộ trình trong thời gian tới của của Chính phủ để bảo đảm thực đúng, đủ, không nợ đồng bào dân tộc về chính sách.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cho biết việc đánh giá 03 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc, thiểu số và miền núi là cơ sở quan trọng để nắm sát tình hình thực tiễn, qua đó có kiến nghị để tiếp tục thực hiện trong 2 năm tới và giai đoạn tiếp theo một cách đột phá.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị, trên cơ sở ý kiến góp ý tại phiên họp, các cơ quan hữu quan tiếp thu và hoàn thiện các báo cáo để có đánh giá tổng thể, toàn diện, cung cấp số liệu đầy đủ, có so sánh với các giai đoạn trước để các đại biểu Quốc hội, cử tri thấy được kết quả thực hiện nổi bật cũng như tồn tại, hạn chế. Do đó, để hoàn thiện các báo cáo, các Bộ, ngành cần bổ sung thêm một số thông tin và đánh giá thêm về chính sách nông nghiệp, chính sách bảo vệ phát triển rừng, xây dựng nông thôn mới, bảo hiểm y tế, tác động của chính sách giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề lao động xuyên biên giới, lao động tại các khu công nghiệp, hầm mỏ của đồng bào dân tộc, tình hình tệ nạn xã hội, tội phạm; đánh giá thêm về các con số, mức độ đầu tư… Đồng thời qua rà soát các chính sách, cần xem xét nghiên cứu đề xuất xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đề bảo đảm tích hợp chính sách vào một chương trình chuẩn, thống nhất, phân định rõ ràng và tập trung được nguồn lực đầu tư.