Cần quy định cụ thể hình thức đấu giá trực tuyến
Dự thảo Luật đấu giá tài sản có bố cục gồm 8 Chương và 79 Điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; việc đấu giá chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Việc đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đấu giá tài sản đã bổ sung thêm một số điểm, khoản quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; rà soát, bổ sung các loại tài sản đấu giá (tài sản nhà nước, tài sản về đất đai, tài sản thi hành án…); rà soát, bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội- nghề nghiệp của đấu giá viên.
Xem xét và cho ý kiến về dự thảo luật này tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Dân tộc đánh giá các nội dung của dự thảo luật đã được thể hiện tương đối rõ ràng và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo.
Tuy nhiên, đối với nội dung về hình thức đấu giá được quy định tại Điều 38 của dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo luật đã liệt kê ra 4 hình thức đấu giá gồm: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; đấu giá trực tuyến, nhưng lại chỉ quy định chi tiết 3 hình thức: đấu giá trực tiếp bằng lời nói; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp tại các Điều 40, 41, 42. Riêng hình thức đấu giá trực tuyến lại không được nhắc đến. Các đại biểu cho rằng, đấu giá trực tuyến hay còn gọi là đấu giá online là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực đấu giá. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nhất thiết cần bổ sung quy định cụ thể về hình thức đấu giá này song song cùng với 3 hình thức còn lại.
Ngoài ra, đại biểu Y Khút Niê- tỉnh Đắk Lắk cho rằng, quy định đấu giá viên phải có thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 5 năm trở lên và có thời gian làm việc tại tổ chức đấu giá tài sản hoặc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam từ 01 năm trở lên được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá của dự thảo luật là chưa hợp lý. Theo đại biểu, chỉ nên quy định mức thời gian là 3 năm là đủ.
Phát biểu cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho biết, dự thảo Luật đấu giá tài sản chưa có nội dung quy định về những loại tài sản không được đấu giá. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, trước Điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nên bổ sung thêm 1 Điều quy định về nhóm những tài sản không được phép đấu giá, bởi có rất nhiều loại tàn sản đặc biệt không nên đem ra đấu giá như: những tài sản liên quan đến quốc phòng, an ninh, hội nghị...
Cân nhắc lại phạm vi điều chỉnh Luật thủy lợi
Dự thảo Luật thủy lợi có bố cục gồm 9 Chương và 72 Điều, quy định về hoạt động thủy lợi; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động thủy lợi, quản lý nhà nước về thủy lợi.
Xem xét, cho ý kiến vào Dự thảo luật này, đa số các thành viên Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu yêu cầu Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, xem xét lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên nước và Luật đê điều.
Nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thủy lợi vừa rộng lại vừa chưa rõ ràng, đại biểu Quàng Văn Hương- tỉnh Sơn La đề nghị Ban soạn thảo có sự xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định cụ thể hơn.
Bên cạnh đó, góp ý vào nội dung quy định về miễn, giảm tiền sử dụng dịch vụ thuỷ lợi tại Điều 38, đại biểu Ksor Phước Hà- tỉnh Gia Lai cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng của dự thảo luật bởi nó có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Trong khi đó, theo nhận định của đại biểu, quy định như Điều 38 của dự thảo là chưa cụ thể, chưa có chủ thể rõ ràng. Nhấn mạnh việc xây dựng pháp luật là bảo vệ lợi ích của nhân dân, đại biểu Ksor Phước Hà đề nghị, dự thảo Luật cần phải quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn, tách biệt đối tượng nào là được miễn, đối tượng nào được giảm, và cụ thể là giảm bao nhiêu phần trăm…?
Ngoài ra, các đại biểu còn chỉ ra, nhiều từ ngữ được dùng trong dự thảo Luật còn khái quát, khó hiểu, chưa chuẩn xác, giải thích một số từ ngữ còn chưa rõ ràng… Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng đảm bảo kỹ thuật lập pháp, dùng từ ngữ chính xác, dễ hiểu, đảm bảo người dân khi đọc phải hiểu và nắm bắt được Luật.