Hội đồng Dân tộc họp phiên toàn thể cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

20/10/2017

Chiều 20/10, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Hội đồng Dân tộc cho ý kiến thẩm tra về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Dự án luật này sẽ được Quốc hội khóa XIV thảo luận tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Hội đồng Dân tộc thảo luận về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi có 9 chương 72 điều, sửa đổi 29 điểu, bổ sung thay thế 27 điều, tăng 22 điều so với luật hiện hành. Đồng thời, dự thảo lần này cũng tăng 8 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 3. Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Dân tộc đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật như về phạm vi điều chỉnh; hình thức tố cáo; bảo vệ người tố cáo; thời hạn giải quyết tố cáo; điểm dừng của giải quyết tố cáo.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ  của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức). Vì Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức chưa có quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bô, công chức, viên chức đã nghỉ hưu.

Không tán thành với giải trình của Chính phủ về và cho rằng lập luận của Chính phủ là hợp lý, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Luật tố cáo là luật gốc quy định về đối tượng tố cáo, hành vi tố cáo, còn Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức chỉ quy định về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức đang đương chức với các chế tài như giáng chức, hạ bậc lương…Vì vậy, nếu có những quy định không phù hợp thì phải sửa Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức.

Bên cạnh đó, các quy định hệ thống pháp luật hiện nay thống nhất ở chỗ, quy định xử lý hành vi tại thời điểm vi phạm. Luật hình sự vẫn truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ đã về hưu đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức nên không có lí do gì lại không xử lý được theo chế tài hành chính.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, nếu không quy định tố cáo giải quyết tố cáo đối với vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu là tước đi quyền tố cáo và bảo vệ quyền tố cáo của người dân.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên họp

Về bảo vệ người tố cáo, đa số ý kiến thành viên Hội đồng Dân tộc phát biểu đều cho rằng cần có quy định cụ thể về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, đề xuất cơ quan nào chịu trách nhiệm chính còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, cần quy định cho cơ quan công an có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo. Bởi đây là lực lượng vũ trang có đầy đủ công cụ để thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Trong khi đó, đại biểu Bế Minh Đức cho lại cho rằng, nên quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trong chỉ đạo giải quyết, phân công cơ quan chức năng địa phương trong việc bảo vệ người tố cáo.

Về hình thức tố cáo, các ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Đinh Thị Phương Lan hay đại biểu Bế Minh Đức, đại biểu Tô Thị Ái Vang đều bày tỏ tán thành với giải trình của Chính phủ giữ nguyên quy định 02 hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử. Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ.

Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện bảo đảm về mặt pháp lý, nguồn nhân lực, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với các trường hợp tố cáo. Trong bối cảnh hiện nay quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Các đại biểu nhấn mạnh, mặc dù không giải quyết đối với tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại... theo quy trình giải quyết tố cáo, song những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua thư điện tử, fax, điện thoại cần phải được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra.

Tin và ảnh: Bảo Yến