NÂNG CAO KHẢ NĂNG PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

14/12/2018

Trong buổi làm việc thứ 2 của hội nghị tập huấn “Kỹ năng thẩm tra, giám sát ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi của Quốc hội và Hội đồng nhân dân” ngày 13/12, do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, các đại biểu đã thảo luận các phương pháp phân tích chính sách giảm nghèo từ thực tiễn ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác

Toàn cảnh buổi tập huấn 

Các đại biểu đều khẳng định, đầu tư nghiên cứu phân tích chính sách sẽ đảm bảo thực hiện được mục đích của chính sách công thông qua pháp luật; Góp phần làm rõ mức độ tác động của các biện pháp cưỡng chế thi hành và lường trước những phản ứng ngược lại của đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật; Tăng cường tính nhất quán của hệ thống pháp luật, khắc phục sự chồng chéo hoặc bỏ sót trong chính sách giảm nghèo hiện nay.

Công tác giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua được đánh giá là khá tốt, song vẫn còn bộc lộ khá nhiều những bất cập. Ông Nguyễn Ngọc Phương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho biết: Thứ 1, tiêu chí giảm nghèo của chúng ta chưa sát. Thứ 2, phân cấp quản lý và xác định hộ nghèo chưa chuẩn, nhiều khi còn mang tính chất anh em, họ hàng. Rồi chính sách của mình hỗ trợ trực tiếp cho người dân và nhiều hỗ trợ tạo sự ỷ lại cho người dân, khiến người dân thích làm hộ nghèo, không thích thoát nghèo. Cũng chính vì thế mà xảy ra nhiều khiếu kiện do chính quyền địa phương, thôn bản đấy trong phân loại hộ nghèo chưa chuẩn xác.

Các đại biểu thực hành tập huấn theo Nhóm

Tiêu chí phân tích chính sách bao gồm 2 nhóm: Nhóm tiêu chí kỹ thuật và Nhóm tiêu chí xã hội. Những bài học từ kinh nghiệm quốc tế chỉ ra sự khác nhau về tầm quan trọng của các tiêu chí ở mỗi quốc gia, đặc biệt là nhóm tiêu chí xã hội như: tính công bằng, minh bạch, sự tham gia và trách nhiệm giải trình. Theo TS.Trịnh Đình Dũng - nguyên Trợ lý Giám đốc, Trưởng Ban Quản trị Quốc gia UNDP Việt Nam, một kinh nghiệm của Thuỵ Điển, Quốc hội chỉ giám sát chính phủ để đảm bảo trách nhiệm giải trình, phải đáp ứng như thế nào đối với dân. Quốc hội không giám sát nguyên thủ quốc gia, không giám sát cơ quan tư pháp, không giám sát chính quyền địa phương, không giám sát khiếu nại tố cáo hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tất nhiên họ có cái khác mà mình không theo được. Đấy là ngành tư pháp của họ là ngành độc lập. Nên rất nhiều vấn đề giao cho ngành tư pháp làm chứ không giao cho Quốc hội.

Các đại biểu thực hành tập huấn theo nhóm

Các đại biểu cũng được tiếp cận với các phương pháp phân tích chính sách giảm nghèo như định tính, định lượng, hoặc kết hợp cả 2 phương pháp Đi kèm với đó là các bài tập thực hành cụ thể để xác định được điểm mạnh, điểm yếu của từng phương pháp. Từ đó áp dụng được phương pháp phù hợp với từng địa phương mình. Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: Qua hội nghị này sẽ tạo thông tin, cơ sở cũng như cung cấp thêm các kỹ năng cho các đại biểu QH cũng nhưu HĐND thực hiện tốt vai trò giám sát của mình liên quan đến giảm nghèo.// Thứ 2 là qua buổi tập huấn này sẽ cung cấp thêm kỹ năng cho các đại biểu QH, HĐND trong việc thẩm tra cái báo cáo kinh tế xã hội hằng năm, đặc biệt là tình hình ngân sách.

Các đại biểu cũng được tiếp cận với một số gợi ý về phân tích chính sách giảm nghèo đối với cơ quan dân cử như: Tập trung vào phát hiện vấn đề chính sách cần giải quyết ở mỗi giai đoạn; xác định thứ tự ưu tiên; đặt trọng tâm phân tích chính sách vào giai đoạn tiền kiểm thay vì hậu kiểm; Khai thác tối đa các kết quả nghiên cứu, điều tra của các tổ chức đa phương./.

Mỹ Phượng - Nguyễn Hùng