Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ cho rằng, việc thực hiện chế độ cử tuyển đối với con em các dân tộc ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn để đào tạo cán bộ, công chức cho các vùng này là một chủ trương chính sách đúng đắn, góp phần đào tạo nguồn cán bộ phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH vùng dân tộc, miền núi. Hàng năm, Ủy ban Dân tộc đều phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định của nhà nước về chế độ cử tuyển; kịp thời chỉ đạo Ban Dân tộc các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh tuyển sinh bảo đảm tuyển chọn đúng đối tượng và khu vực theo quy định. Hiện nay, các bộ cũng đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện chế độ cử tuyển về đối tượng, tiêu chuẩn được hưởng chế độ cử tuyển, tổ chức thực hiện việc cử tuyển, tổ chức tiếp nhận sau tốt nghiệp và bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo... Từ năm 2007 - 2010, số lượng học sinh cử tuyển đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo cho các địa phương lên tới 13.700 chỉ tiêu và thực hiện được 82,6% kế hoạch đào tạo; trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành sư phạm chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là ngành y, kinh tế, kỹ thuật và nông lâm.
Các thành viên Hội đồng Dân tộc ghi nhận nỗ lực của các bộ trong việc thực hiện chính sách cử tuyển. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát tại một số địa phương, các thành viên Hội đồng Dân tộc cho rằng, nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ cử tuyển. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc sử dụng học sinh đào tạo theo chế độ cử tuyển mặc dù trách nhiệm của các địa phương đã được quy định cụ thể. Có địa phương, học sinh tốt nghiệp về địa phương nhưng cũng không bố trí được công việc; thậm chí có những học sinh sau khi tốt nghiệp không trở về công tác tại địa phương nhưng cũng chưa có biện pháp xử lý. Tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và một số dân tộc thiểu số ít người, công tác cử tuyển gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý là tình trạng, phần lớn các học sinh đủ tiêu chuẩn được cử đi học cử tuyển là người dân tộc thiểu số có số dân đông như Tày, Nùng, Thái, Mường trong khi các dân tộc khác rất thiếu cán bộ cần được đào tạo nhưng lại không có nguồn. Điều này đã dẫn đến tình trạng mất cân đối ngay trong đội ngũ cán bộ của các dân tộc thiểu số.
Chất lượng đào tạo học sinh cử tuyển hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu có nguyên nhân sâu xa từ việc tạo nguồn học sinh cử tuyển - nhấn mạnh điều này, các thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị, các địa phương cần thống nhất nhận thức về việc thực hiện chế độ cử tuyển, cử đúng đối tượng đi học theo phương châm đào tạo cử tuyển phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Cần rà soát, thống kê các ngành nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh lãng phí nguồn lực đào tạo các ngành nghề mà địa phương đang dư thừa. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đầu vào của học sinh cử tuyển. Các Bộ, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có phương pháp đào tạo phù hợp đối với học sinh cử tuyển, bảo đảm học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các địa phương.