ĐỔI MỚI CĂN BẢN TƯ DUY PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

03/02/2020

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Lần đầu tiên Quốc hội có một nghị quyết mang tính dài hơi, tổng thể và riêng biệt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đổi mới căn bản trong tư duy và định hướng tiếp cận chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc

Nhân dịp đầu năm 2020, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về những điểm mới trong Đề án quan trọng này

Phóng viên: Thưa ông, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại kỳ họp thứ 8, đây được đánh giá là một Nghị quyết mang tính lịch sử. Ông có thể phân tích những nội dung quan trọng nhất thể hiện sự đổi mới về chính sách dân tộc trong đề án quan trọng này?

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Có thể nói rằng đây là một sự quan tâm rất đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng miền núi. Đề án này được chuẩn bị rất công phu với nhiều tư duy đổi mới và nhiều cách tiếp cận mới có thể khái quát một số nội dung chính như thế này:

Nội dung thứ nhất, trong giai đoạn trước đây chúng ta thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu chủ yếu là xoá đói giảm nghèo, còn trong giai đoạn tới chuyển sang giai đoạn đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy, thực chất là đòi hỏi huy động nguồn lực lớn hơn và một quyết tâm chính trị cao hơn cùng với sự nỗ lực rất cao của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nội dung thứ hai là tích hợp các chính sách để giao cho chính phủ sẽ xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, bắt đầu thực hiện từ năm 2021 với 10 dự án cụ thể nhằm giải quyết 3 vấn đề chính: Thứ nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân để giảm dần khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số so với vùng phát triển; Thứ hai là giải quyết những vấn đề bức thiết trong đời sống của nhân dân về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ làm nhà ở cho người dân. Thứ ba là tiếp cận theo một hướng lấy người dân làm trung tâm, chính sách sẽ xuất phát từ yêu cầu của người dân với phương châm là “dân cần, dân bàn dân làm, dân hưởng lợi”.

Nhà nước có vai trò chủ yếu tổ chức, giúp đỡ và hướng dẫn chứ không làm thay cho người dân. Cách quản lý thì thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ làm Phó Trưởng Ban thường trực, cùng với đó có sự tham gia của lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Tôi cho rằng cách làm này sẽ tập trung được sự chỉ đạo và sẽ khắc phục được tình trạng nhiều đầu mối quản lý và sẽ rất rõ trách nhiệm của từng ngành trong quá trình tham gia.

Một nét rất mới nữa là thực hiện phân cấp mạnh và cấp tỉnh là cấp quyết định chủ yếu, các Bộ, ngành Trung ương chỉ kiểm tra, hướng dẫn, điều chỉnh những nội dung phát sinh trong thực tiễn cần thiết phải có sự điều chỉnh, còn lại không tham gia vào quản lý sâu. Trách nhiệm của tỉnh là chính và sẽ phân cấp tổ chức thực hiện ở cấp xã và thôn bản. 

Nghị quyết số 88 của Quốc hội xác định rất rõ: phải tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, cùng sự giám sát của người dân để làm sao nguồn lực của nhà nước thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra. Các công trình sẽ được đầu tư xây dựng, các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị và các dự án sản xuất phải đảm bảo phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tránh tình trạng chúng ta chỉ nhằm tới lợi ích kinh tế còn chưa chú ý đúng mức về vấn đề xã hội, vấn đề môi trường, tránh tình trạng sau này chúng ta sẽ phải đầu tư khắc phục.

Đề án Tổng thể phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với một kỳ vọng lớn lao là sẽ phát huy được những tiềm năng lợi thế so sánh của từng vùng miền, huy động được nội lực của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng dân tộc, làm chuyển biến rõ rệt đời sống của nhân dân theo đúng như Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng đã đề ra.

Và một trong những yếu tố quyết định đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Công tác truyền thông để làm sao khơi dậy tinh thần tự hào, tự lực, tự cường, cùng với sự quan tâm của nhà nước thì đồng bào sẽ vượt lên chính mình.

Phóng viên: Ngay sau khi thông qua Nghị quyết ngày 26/11/2019, Quốc hội đã tổ chức hội nghị để triển khai và Chính phủ đã có kế hoạch hành động rất cụ thể với thời gian thực hiện cũng rất khẩn trương. Làm thế nào để “trên nóng” mà dưới “không lạnh”, không chỉ triển khai thực hiện nhanh mà Đề án cũng sớm phát huy hiệu quả, thưa Bộ trưởng – Chủ nhiệm?

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Cách làm mới cũng thể hiện sự quan tâm rất đặc biệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ngay trong Hội nghị Công bộ đó, Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết theo trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương làm các nhiệm vụ cụ thể để sau đó tích hợp lại những nội dung đó trở thành một Chương trình mục tiêu quốc gia. Với tư cách là cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo chương trình này, đã xin ý kiến của các Bộ, ngành với sự đồng thuận nhất trí rất cao.

Hiện nay, Dự thảo này đang trình Chính phủ, tới đây Chính Phủ sẽ ra Nghị quyết. Như vậy, Nghị quyết này mới là giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng. Đến tháng 5/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể làm cái gì, làm như thế nào, nguồn lực ở đâu, ai phải chịu trách nhiệm, cụ thể về thờ gian...

Tôi tin chắc chắn rằng, với cách làm rất xa như vậy và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành sẽ vào cuộc với quyết tâm cao. Và tôi cũng tin tưởng rằng sẽ không có tình trạng “trên nóng - dưới lạnh” bởi những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 88 là xuất phát từ người dân, do người dân và từ cơ sở. Vì vậy, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đang rất mong đợi nội dung này. Cho nên chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, khi được Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2021, sẽ vận hành một cách thuận lợi và sẽ làm được tất cả những mục đích yêu cầu và các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra.

Phóng viên: Vậy Uỷ ban Dân tộc có dự báo được những thách thức, khó khăn để đảm bảo việc triển khai hiệu quả Đề án sẽ thành công trong thời gian tới hay không, thưa Bộ trưởng – Chủ nhiệm?

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Bất kể sự đổi mới nào cũng có những khó khăn nhất định.

Thứ nhất là các số liệu được xác định trong đề án sẽ có thay đổi. Lường trước được khó khăn này, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ để có số liệu điều tra về kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi cả nước. Vì vậy, đến nửa tháng 01/2020, chúng tôi có số liệu này và chúng tôi hiệu chỉnh các số liệu đó theo cơ sở dữ liệu mới nhất. Như vậy, chúng tôi sẽ khắc phục được những khó khăn ban đầu mà chúng tôi dự báo trước.

Thứ hai là với phương châm của Quốc hội giao cho là phải xác định lại vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, từ đó xác định trọng tâm trọng điểm để thực hiện đầu tư. Và như vậy, vùng dân tộc thiểu số miền núi sẽ thu hẹp lại, những xã đặc biệt khó khăn, thôn bản đặc biệt khó khăn sẽ thu hẹp lại. Điều này sẽ không tránh khỏi tác động đến tâm lý tình cảm của nhân dân và của các tổ chức ở cơ sở. Xác định khó khăn này từ trước, chúng tôi cũng đang chuẩn bị đề án phân định lại vùng dân tộc thiểu số miền núi để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt.

Chúng tôi đưa thêm hai tiêu chí vào thực hiện trong Đề án phân định vùng dân tộc thiểu số này. Thứ nhất là tham chiếu thêm tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Làm như vậy để thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là quan tâm trực tiếp chuyển hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Thứ hai là chúng tôi căn cứ vào thực trạng kinh tế - xã hội của các xã đặc biệt khó khăn, thôn bản đặc biệt khó khăn để lựa chọn hình thức đầu tư và lựa chọn những công trình cho đúng với thực tiễn. Đồng thời báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tách bạch và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xác định địa bàn đặc biệt khó khăn để ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư. Còn các chính sách tác động cho con người để đảm bảo an sinh xã hội, chính sách khuyến khích học tập, về giáo dục và y tế, về văn hóa xã hội… chúng tôi sẽ kiến nghị áp dụng tiếp cận theo hình thức người dân tộc thiểu số. So với những hộ dân tộc nghèo, cận nghèo khó khăn thì sẽ được hưởng những chính sách này. Việc phân tách như vậy không ảnh hưởng đến việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trước đây thường là ghép 2 nội dung này với nhau, do vậy ở cơ sở, nhiều địa phương cũng không muốn ra khỏi địa bàn khó khăn, cũng không muốn ra khỏi địa bàn được ưu tiên đầu tư bởi vì không chỉ là cơ sở vật chất mà còn là chính sách đối với con người. Vì vậy, lần này chúng tôi kiến nghị tách 2 nội dung đó ra.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc!

Phan Xanh