Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV đã bầu ra 499 đại biểu Quốc hội, trong đó có 89 đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 17,8% tổng số đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số trong nhiệm kỳ này có trình độ học vấn, chuyên môn nâng lên nhiều so với các khóa trước đây. Tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số trong nhiệm kỳ này 2021 đều tham gia Quốc hội, HĐND lần đầu (đại biểu Quốc hội là 59/89) và hoạt động kiêm nhiệm, cư trú, công tác tại địa phương, cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều kiện tiếp cận, trao đổi thông tin, trau dồi kỹ năng phân tích, đánh giá, hoạch định, giám sát chính sách, pháp luật nói chung, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng của đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, Hội nghị tập huấn chuyên đề nhằm cung cấp những thông tin cơ bản, cần thiết về tình hình dân tộc và công tác dân tộc, các chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; kỹ năng hoạt động thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là những nội dung quan trọng giúp đại biểu có thêm kiến thức, kỹ năng hoạt động trong lĩnh vực của mình. Đồng thời, hội nghị là diễn đàn để các đại biểu nghiên cứu, trao đổi và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc hoàn thiện chính sách dân tộc; tổ chức thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, chia sẻ về một số kỹ năng xây dựng và thực hiện giám sát chuyên đề liên quan lĩnh vực dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, để thực hiện giám sát, các đại biểu cần thâm nhập thực tế cộng đồng, phát hiện những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, thu thập thông tin liên quan đến vấn đề đó. Đại biểu dân cử khi đi giám sát cần lắng nghe thông tin nhiều chiều, nhiều góc độ, từ người dân, cán bộ địa phương, cán bộ lãnh đạo, chuyên gia. Qua đó, nghiên cứu, xử lý, phân tích thông tin có được, có thể cả đối thoại với cơ quan ban hành chính sách, cơ quan thực hiện chính sách để kiểm chứng, củng cố những thông tin, nhận định, đánh giá cá nhân hoặc đoàn giám sát; đưa ra những nhận định, đánh giá đầy đủ và kiến nghị cụ thể về chính sách pháp luật, về tổ chức thực hiện; trình bày kết quả giám sát một cách rõ ràng, mạch lạc, có sức thuyết phục trong báo cáo cũng như trong các buổi họp.
Quang cảnh hội nghị
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nghe giới thiệu các chuyên đề về: tổng quan hệ thống chính sách dân tộc hiện nay ở nước ta; tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2022 – 2025; quy trình xem xét, thẩm tra, quyết định dự toán, phê duyệt quyết toán ngân sách của Quốc hội; kỹ năng thẩm tra, giám sát ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; một số kỹ năng xây dựng và thực hiện giám sát chuyên đề liên quan lĩnh vực dân tộc; những vấn đề cần quan tâm khi tiếp xúc cử tri tại địa bàn miền núi và tiếp xúc với cử tri người dân tộc; việc xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt nam - những vấn đề đặt ra và khuyến nghị, giải pháp.