HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHẢO SÁT CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI HUYỆN HỒNG DÂN, BẠC LIÊU

23/03/2023

Ngày 23/3, tiếp tục chuyến công tác tại Bạc Liêu, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc đã thực hiện khảo sát chính sách phát triển kinh tế tập thể vùng dân tộc thiểu số tại huyện Hồng Dân.

HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHẢO SÁT CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI BẠC LIÊU

Quang cảnh buổi làm việc tại UBND huyện Hồng Dân.

Huyện Hồng Dân có 37 hợp tác xã có tư cách pháp nhân, với trên 1.300 thành viên, trong đó có 1 liên hiệp hợp tác xã. Trong số 32 hợp tác xã nông nghiệp, có 2 hợp tác xã do người dân tộc thiểu số là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Về tổ hợp tác, địa phương có 147 tổ, với trên 6.600 thành viên, trong đó có gần 700 thành viên là người dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi khảo sát, các đại biểu đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc chủ yếu đối với phát triển kinh tế tập thể, như: cơ chế chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này còn bất cập, đặc biệt là việc giao đất để làm trụ sở cho hợp tác xã hiện nay phải theo cơ chế đấu giá, trong khi đó nguồn lực của hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp nói chung và của huyện nói riêng đều không thể đáp ứng được; điều kiện tiếp cận về kiến thức kinh tế tập thể của một bộ phận bà con người dân tộc thiểu số còn hạn chế; diện tích đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc phát triển theo mô hình kinh tế tập thể; nguồn lực hỗ trợ cho hợp tác xã tuy có nhưng không nhiều, điều kiện, thủ tục còn phức tạp, các hợp tác xã khó tiếp cận;...

Đoàn công tác đã tiếp thu những ý kiến đóng góp cũng như những khó khăn, thuận lợi trong tiến trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế tập thể dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, trình Quốc hội, kiến nghị Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động và phát triển bền vững.

(Theo Báo điện tử Bạc Liêu)

Các bài viết khác