PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA TOÀN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG XÂY DỰNG VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG

22/08/2022

Chiều ngày 22/8, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường trong thời gian tới, cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị.

Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Xây dựng "Văn hoá học đường" hướng tới Chân - Thiện - Mỹ

Tham gia hội nghị có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện một số cơ sở giáo dục, các địa phương, các chuyên gia, khách mời trong lĩnh vực giáo dục và các đơn vị có liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Xây dựng văn hoá học đường là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành giáo dục

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Văn hoá là một trong bốn trụ cột của quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam”, trong đó “lấy nhân tố con người làm trung tâm”. Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ đã tác động toàn diện, mạnh mẽ đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có giáo dục và đào tạo. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục cà Đào tạo đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ Giáo dục cà Đào tạo đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận luận về những giải pháp nhằm tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg trong việc tăng cường công tác xây dựng văn hoá học đường, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới…

Huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong xây dựng văn hóa học đường

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Hội nghị triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức là hoạt động rất quan trọng, có ý nghĩa tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng văn hóa học đường.

Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã yêu cầu: “xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng”; “xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: Một trong những trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhà trường là môi trường quan trọng để hình thành, bồi đắp những giá trị, phẩm chất tốt đẹp, là nơi rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người sống có hoài bão, khát vọng và lý tưởng tốt đẹp. Văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thời gian qua, Quốc hội đã đẩy mạnh thể chế hoá nội dung phát huy giá trị văn hoá, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong các đạo luật, các nghị quyết, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Chính phủ đã rất quan tâm, chú trọng tới lĩnh vực này. Từ kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 ngày 01/6/2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị 08 đã bám sát tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Ghi nhận và đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ quan có liên quan đã nỗ lực, khẩn trương tham mưu, xây dựng Chỉ thị này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, “ Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” được tổ chức trực tuyến qua điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước ngay trước thềm năm học mới 2022-2023 thể hiện sự quan tâm, tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Bộ và toàn ngành Giáo dục.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí  - thể - mỹ, đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành, từ đó, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần phù hợp, hiệu quả. Tiến hành đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội; tăng cường liên hệ với thực tiễn, gắn với các tấm gương người thực việc thực; đề cao trách nhiệm của các thầy cô giáo tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo phải gương mẫu mọi nơi, mọi lúc.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực tiễn cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ; cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp; ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế; nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới; kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử; vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra; nghiên cứu, hoàn thiện lý luận, khoa học, thực tiễn và tăng cường tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo xây dựng văn hoá học đường; tập trung xây dựng một số mô hình điểm và nhân rộng mô hình tốt; thường xuyên theo dõi, động viên, đôn đốc kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác triển khai xây dựng văn hoá học đường để kịp thời định hướng, điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo rà soát sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thứ ba, gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo.

Thứ tư, phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử; tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng; xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện; lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thực tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học.

Thứ năm, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động,…; tăng cường các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục; có giải pháp huy động sự tham gia tích cực của gia đình, cộng đồng và xã hội; phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong xây dựng văn hoá học đường.

Thứ sáu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Hội Khuyến học trong xây dựng văn hóa học đường, nhất là các cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong Chỉ thị 08; đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc, tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được phân công.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, xây dựng môi trường văn hoá trong trường học là chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của mình sẽ luôn sát cánh, đồng hành với ngành Giáo dục và ngành Văn hoá trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường, đẩy mạnh công tác xây dựng văn hoá học đường nói riêng, xây dựng hệ giá trị văn hoá con người Việt Nam nói chung trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế./.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Toàn cảnh hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.​

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường trong thời gian tới, cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tóm lược một số nội dung Chỉ thị số 08 của Thủ tướng về xây dựng văn hóa học đường.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa 

Các đại biểu phát biểu, thảo luận qua hình thức trực tuyến

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục sẽ luôn sát cánh, đồng hành với ngành Giáo dục và ngành Văn hoá nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng văn hoá học đường.

Thu Phương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác