PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM CÓ BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC – ĐƯỢC CỬ TRI, NHÂN DÂN YÊU MẾN, TIN CẬY

06/01/2024

Sáng 6/1, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội – 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 9 năm ngày phát sóng đầu tiên. Dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với những nỗ lực không ngừng, Truyền hình Quốc hội đã có bước tiến vượt bậc, nhận được sự yêu mến, tin cậy của đông đảo khán giả, cử tri và Nhân dân cả nước…

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: XÂY DỰNG TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM LÀ DIỄN ĐÀN CỦA QUỐC HỘI, CỦA CỬ TRI

Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm 9 năm ngày phát sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Tham dự hội nghị có: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương; cùng đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội;

Tham dự buổi Lễ còn có đại diện các đơn vị đối tác của Truyền hình Quốc hội Việt Nam: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội MB; Ticktok Việt Nam; Tập đoàn Truyền thông Đất Việt Vieon;

Về phía Truyền hình Quốc hội Việt Nam có: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh; các đồng chí Phó Tổng Giám đốc; nguyên lãnh đạo Truyền hình Quốc hội  Việt Nam; lãnh đạo các phòng chức năng; cùng tập thể cán bộ, nhân viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Bước tiến vượt bậc

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao chiến lược và cách tiếp cận đúng đắn của Truyền hình Quốc hội. Qua 9 năm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với những nỗ lực không ngừng, Truyền hình Quốc hội đã có bước tiến vượt bậc, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh nhận được sự yêu mến, tin cậy của đông đảo khán giả, cử tri và Nhân dân cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Điểm lại những kết quả nổi bật của Truyền hình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Truyền hình Quốc hội đã được củng cố về tổ chức, cán bộ; tăng cường về cơ sở vật chất; trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng công tác, trở thành cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân cả nước. Truyền hình Quốc hội đã kịp thời thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của Quốc hội và hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Bên cạnh đó, Truyền hình Quốc hội đã phát huy vai trò định hướng dư luận xã hội, phê phán, đấu tranh với tư tưởng sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.  Số lượng các buổi truyền hình trực tiếp Kỳ họp trên sóng Truyền hình Quốc hội tăng đáng kể. Hầu hết các Phiên thảo luận Luật tại Hội trường đều được truyền hình trực tiếp trên Kênh 7.

Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm 

Truyền hình Quốc hội đã bổ sung hình thức Phiên dịch cho người khiếm thính tại các phiên truyền hình trực tiếp Kỳ họp; đang phối hợp cùng Ban Truyền hình Tiếng dân tộc (VTV5) để phát sóng các chương trình bằng tiếng dân tộc, nhằm tăng cường tuyên truyền tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đáng chú ý, từ đầu năm năm 2022, khung chương trình của Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã được thiết kế mới, hấp dẫn, phù hợp hơn: Chương trình “Việt Nam ngày mới” từ 6h đến 7h sáng hàng ngày; các Bản tin Thời sự 12h, Chuyển động 365, 18h30, Bản tin Thời sự tối 20h, Thời sự đêm 22h đã cung cấp tin tức liên tục. Loạt chương trình mới như: "Lần đọc đầu tiên", "Trước giờ bấm nút", "Luật và đời sống", "Đối thoại chính sách", "Diễn đàn Kinh tế", "Giám sát toàn diện"... bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực. Đặc biệt năm 2023, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp hội phát thanh – truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương, tổ chức lớn nhất thế giới trong lĩnh vực Phát thanh truyền hình.

Với những kết quả nổi bật đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương, chúc mừng về những thành quả mà Truyền hình Quốc hội đã đạt được trong 9 năm qua.

Tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn

Để đáp ứng yêu cầu mới của đất nước và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đồng thời khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay của Truyền hình Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Cần xác định, bên cạnh những nội dung thông tin về hoạt động Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội cũng như những vấn đề Quốc hội quan tâm thì cần cung cấp kịp thời cho khán giả những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh, những vấn đề thực tiễn mà xã hội đang quan tâm. Không chỉ thực hiện chuyên mục Đại biểu Quốc hội với cử tri, cần mở rộng, tiến tới thực hiện cả chuyên mục đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhắn nhủ với cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Truyền hình Quốc hội về 3 chữ “chuyên”: chuyên tâm, chuyên nghiệp, chuyên sâu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây cũng là định hướng giá trị cho Truyền hình Quốc hội trên chặng đường mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, Truyền hình Quốc hội tiếp tục đoàn kết, thống nhất cao, vững mạnh về mọi mặt; kiên định với lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, những giá trị cốt lõi của nghề nghiệp; lao động, cống hiến, dấn thân vì nhiệm vụ; nhạy bén về chính trị, nền tảng tri thức, trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng, có được những chương trình chất lượng, thực sự lay động, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Không ngừng phát triển về mọi mặt

Đồng thời, chú trọng việc thực hiện tốt trách nhiệm chung của báo chí cách mạng Việt Nam là đóng góp quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; tham gia tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát hiện, giới thiệu, cổ vũ, lan tỏa những điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo; tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cao đẹp của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả thế mạnh riêng có; Truyền hình Quốc hội cần đầu tư, triển khai mạnh mẽ hệ sinh thái số để đảm bảo “Cử tri ở đâu, Truyền hình Quốc hội có mặt ở đó”. Các chương trình của Truyền hình Quốc hội phải xuất hiện trên tất cả các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam để tiếp cận khán giả cũng như cử tri Nhân dân cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, Ban lãnh đạo Truyền hình Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; động viên, khuyến khích tinh thần sáng tạo, không ngừng tự học, tự nghiên cứu, có sự đầu tư nghiêm túc, công phu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Quan tâm thực chất, thiết thực, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động. Nhanh chóng triển khai Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hình thành cấp Ban theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 427/NQ- UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; sự tin cậy, cổ vũ của khán giả trong và ngoài nước, cùng với tầm nhìn chiến lược của đội ngũ lãnh đạo, sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với tầm nhìn chiến lược của đội ngũ lãnh đạo, sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hiện thực hoá những mục tiêu, khát vọng đã đề ra.

Hoàn thành vai trò là Thông tấn xã của Quốc hội

Trước đó, Phát biểu khai mạc Lễ Kỷ niệm, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, cứ vào dịp 6/1 hàng năm, niềm vui lại nhân đôi, vừa Kỷ niệm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, vừa kỷ niệm Ngày phát sóng chương trình Truyền hình đầu tiên.

“Niềm vui nhân đôi nhưng Trách nhiệm cũng nhân 2. Truyền hình Quốc hội Việt Nam vừa phải phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho Quốc hội với tư cách là cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội, vừa phải phát triển để trở thành 1 Đài Truyền hinh vững mạnh, xứng đáng là 1 trong 7 Đài truyền hình thiết yếu quốc gia.”, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh chia sẻ.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cũng cho biết, 9 năm, một quãng đường chưa là gì với rất nhiều Đài Truyền hình và cơ quan báo chí có bề dầy truyền thống. Nhưng nói như nhiều người, nó có thể là hạn chế, nhưng đồng thời cũng có thể là thế mạnh của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Chúng ta đi sau để đúc rút kinh nghiệm, để không phải trả nhiều học phí của những Đài Truyền hình đi trước. Chúng ta đi sau để rút ngắn thời gian và quãng đường để chuyển đổi mô hình sản xuất và phân phối nội dung. Chúng ta đi sau để có thể bứt tốc vượt lên.

Báo cáo về một số kết quả nổi bật vừa qua, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh nêu rõ, ở nhiều chỉ số đánh giá, Truyền hình Quốc hội Việt Nam có thể được xếp ở Top đầu trong số 7 Kênh Truyền hình thiết yếu quốc gia. Theo đánh giá ở nhiều thời điểm trong năm của Kantar, rating của Truyền hình Quốc hội Việt Nam ở một số khung giờ đã vượt lên Top đầu. Có thời điểm rating của khung giờ Việt Nam ngày mới từ 6h đến 7h sáng đã đứng thứ 3, chỉ sau Chào buổi sáng của VTV1 và Café sáng của VTV3. Các khung giờ cao điểm, có sự cạnh tranh quyết liệt về rating của các Đài như Khung 12h trưa, Khung 18h, Khung 20h, rating của Truyền hình Quốc hội Việt Nam đều có sự cải thiện rõ rệt.

Ở hệ thống đánh giá rating TAM của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều chương trình, nhiều khung giờ của Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng đã được Bộ nhắc đến trong các buổi giao ban báo chí hàng tuần.

Thương hiệu của một số chương trình như Việt Nam ngày mới; Bản tin Thời sự 20h, Chuyển động 365; Góc nhìn hôm nay; Diễn đàn kinh tế; Nhận diện lãng phí; Giám sát toàn diện; Cử tri hỏi Đại biểu trả lời…đã dần dần gây được tiếng vang và cử tri phản hồi. Đặc biệt là một số chương trình mang tính chất độc quyền của Truyền hình Quốc hội Việt Nam như Tường thuật trực tiếp các Phiên thảo luận Luật tại Hội trường, World Cup bóng đá nữ…độ nhận diện của THQHVN với cử tri và khán giả truyền hình cả nước đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Bên cạnh đó, theo báo cáo sơ bộ của Vụ thông tin, trong năm 2023 vừa qua, số lượng view liên quan đến Quốc hội ra tăng đột biến trên các nền tảng số. Bên cạnh sự đổi mới của Quốc hội theo hướng gần dân, giải quyết kịp thời những vấn đề quốc kế dân sinh, còn có sự đóng góp của những cơ quan báo chí của Quốc hội. Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành vai trò là Thông tấn xã của Quốc hội khi cung cấp toàn bộ các nội dung liên quan đến Quốc hội để tất cả các cơ quan báo chí và các Đài Phát thanh truyền hình trên cả nước có thể khai thác. Và những cơ quan báo chí này đã trở thành cánh tay nối dài của Quốc hội nhằm tuyên truyền các nội dung liên quan đến Quốc hội cho mọi tầng lớp cử tri.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh 

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh nhấn mạnh, 9 năm qua, Truyền hình Quốc hội đã làm được nhiều việc, nhưng thách thức là không hề nhỏ, nếu không muốn nói là vô vàn khó khăn ở chặng đường phía trước. Truyền hình ngày hôm nay là một tổ hợp rất nhiều bài toán khó, từ nâng cao chất lượng chương trình, chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối cho đến các vấn đề vĩ mô về quản trị và kinh tế báo chí. Rất không may là tất cả những vấn đề này lại diễn ra đúng vào thời điểm kinh tế báo chí gặp rất nhiều khó khăn, khó từ thị trường khi các Doanh nghiệp còn không đủ trả lương nhân viên chứ chưa nói đến chuyện chi tiền cho quảng cáo. Và khó cả ở cơ chế và đơn giá đặt hàng khi các Đài Truyền hình và cơ quan báo chí quay trở lại ngân sách Nhà nước.

Về chủ quan, dù đã có những bước phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn phải tự thừa nhận Truyền hình Quốc hội Việt Nam vẫn là 1 Đài nhỏ, thương hiệu và độ phủ vẫn còn hạn chế so với các Đài Truyền hình đã có bề dầy truyền thống. Tuy nhiên, nhỏ không đồng nghĩa với yếu. Rất may là dư địa vẫn còn cho các Đài Truyền hình nếu thực sự nhìn thấy lối ra. Theo tất cả các thống kê, Việt Nam vẫn là 1 trong những nước tiêu thụ video nhiều nhất Đông Nam Á. Việt Nam là nước 100 triệu dân, đứng thứ 15 thế giới về quy mô dân số. Quy mô dân số là một lợi thế rất lớn và phải thẳng thắn thừa nhận chưa có 1 Đài Truyền hình nào ở Việt Nam thành công trong việc chuyển đổi số và chiếm lĩnh không gian số.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm

Cũng theo Tổng Giám đốc Lê Quang Minh, với video thì không một ai có thể sản xuất ra nhiều video hơn các Đài Truyền hình. Vấn đề bây giờ là làm cách nào để biến những video này thành các chỉ số tăng trưởng về độ phủ và nhận diện thương hiệu. Và khi độ phủ tăng, thương hiệu mạnh thì đương nhiên doanh thu cũng theo đó mà tăng lên.

“Đổi mới là một hành trình không có điểm dừng. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2024, Truyền hình Quốc hội  sẽ ra mắt những chương trình mới và những sự nhận diện mới. Năm 2024, Truyền hình Quốc hội sẽ bước sang năm thứ 10, đây là một năm bản lề trong chặng đường phát triển của Truyền hình Quốc hội”,  Tổng Giám đốc Lê Quang Minh nhấn mạnh.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tiến hành: Ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị đối tác

Tại Lễ Kỷ niệm 9 năm ngày phát sóng đầu tiên, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã công bố chương trình mới của Truyền hình Quốc hội Việt Nam; bộ nhận diện chương trình Thời sự mới của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Đồng thời, ra mắt chuỗi các chương trình chuẩn bị cho Kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026).

Theo đó, bắt đầu từ Bản tin Thời sự 20h tối nay, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ ra mắt bộ nhân diện chương trình Thời sự mới, Hình hiệu mới, Nhạc hiệu mới của Hệ thống Bản tin Thời sự. Nhạc hiệu chương trình Thời sự mới do Nhạc sỹ Lưu Hà An sáng tác, dành riêng cho Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Và cũng bắt đầu từ Thứ 2, ngày 8/1, Truyền hình Quốc hội cũng sẽ ra mắt Chương trình Chuyển động Phương Nam, phát sóng 18h hàng ngày nhằm hướng tới đối tượng khán giả chuyên biệt là cử tri và người dân Miền Nam.

Bên cạnh đó, Truyền hình Quốc hội ra mắt serie Chương trình tương tác giữa Cử tri và Đại biểu Quốc hội. Cụ thể serie 3 chương trình, bao gồm: Cử tri hỏi Đại biểu trả lời, Chat với đại biểu, Alo cử tri format ngắn và Tiếng nói cử tri format dài. Với serie các chương trình hướng trực diện vào Cử tri này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực sự mong muốn trở thành cầu nối giữa Quốc hội, Đại biểu Quốc hội với cử tri và khán giả truyền hình cả nước.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tiến hành: Ký kết thỏa thuận hợp tác 

Cũng tại Lễ Kỷ niệm, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tiến hành: Ký kết thỏa thuận hợp tác với Vụ Dân nguyên, Ban Dân nguyện của Quốc hội; Ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông với VieOn; Ký kết thỏa thuận hợp tác ba bên với Tiktok – MB bank – Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Ngay sau Lê Kỷ niệm 9 năm ngày phát sóng đầu tiên, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiến hành Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. 

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Lễ Kỷ niệm 9 năm ngày phát sóng đầu tiên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam:

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ Kỷ niệm

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại buổi LỄ

Quang cảnh Lễ Kỷ niệm 9 năm ngày phát sóng đầu tiên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh

Lễ Kỷ niệm 9 năm ngày phát sóng đầu tiên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phóng viên, biên tập viên và người lao động Truyền hình Quốc hội tại Lễ Kỷ niệm

Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tiến hành: Ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị đối tác

Chương trình Văn nghệ chào mừng Lễ Kỷ niệm 9 năm ngày đầu tiên phát sóng Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác