Toàn cảnh cuộc họp
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; các Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, ngày 24/6/2021, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Quyết định số 2362, giao Thường trực Hội đồng Dân tộc nhiệm vụ xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án này. Cho rằng việc xây dựng Đề án tuy chậm so với yêu cầu nhưng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận thấy, Hội đồng Dân tộc đã cẩn trọng, cầu thị lắng nghe, trước Tết đã trình Đề án và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã yêu cầu xin ý kiến một số cơ quan. Do đó, cuộc họp này nhằm thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục chỉnh sửa Đề án trước khi xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, qua đó xây dựng Đề án chất lượng và có tính thuyết phục.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu cuộc họp
Ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, công phu soạn thảo của Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tập hợp được nhiều tư liệu, số liệu và dự thảo Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tổ chức nhiều Hội thảo, Tọa đàm, xin ý kiến nhiều lần trong Tổ đảng của Hội đồng Dân tộc. Báo cáo 13 trang giải trình tiếp thu ban đầu của 4/5 cơ quan đã gửi xin ý kiến rất thấu đáo, cầu thị. Tài liệu công phu, dày dặn gồm dự thảo Đề án, 16 phụ lục kèm theo và tổng hợp, trích dẫn các nội dung theo lĩnh vực, theo năm ban hành (quyển 1, quyển 2) từ năm 1989 đến tháng 11/2023.
Chia sẻ với những khó khăn khi thực hiện Đề án này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là lần đầu tiên thực hiện, nội dung mới, khó, phạm vi rộng, yêu cầu cao, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều thời điểm. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội băn khoăn trước yêu cầu đồng bộ hóa chính sách dân tộc, vậy các lĩnh vực khác liệu có đồng bộ hóa được không?
Bên cạnh đó, một số văn bản thuộc thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh khó thu thập; một số văn bản “mật” trong khi công việc của Hội đồng Dân tộc lại cũng rất nhiều. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận thấy, hiện Đề án còn chưa rõ ràng trong việc xác định thời điểm tính từ đâu; phạm vi như thế nào, nội hàm khái niệm đồng bộ hóa ra sao…
Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, cuộc họp này là rất cần thiết để thống nhất chỉnh sửa, sau đó xin ý kiến Đảng đoàn, và sau cuộc họp này, Thường trực Hội đồng Dân tộc chỉnh sửa, có báo cáo giải trình, tiếp thu chi tiết, trình xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội trước khi gửi xin ý kiến Đảng đoàn.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Tại cuộc họp, các đại biểu nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013”.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo bước đầu về giải trình, tiếp thu; đồng ý với nội dung các tài liệu kèm theo và Dự thảo Đề án.Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất với cách tiếp cận Đề án với mục đích là rà soát các quy định liên quan đến chính sách dân tộc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành; phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khắc phục, sửa đổi, bổ sung quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc lưu ý đồng bộ hoá là việc phối hợp các sự kiện riêng lẻ để vận hành một hệ thống cùng lúc; như vậy nhiệm vụ là rà soát để phát hiện nội dung chính sách dân tộc nào còn thiếu, không phù hợp, xác định giải pháp thực hiện cho đồng bộ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013”.
Về tên gọi của Đề án, có ý kiến cho rằng nên thay đổi tên gọi, tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất với giải trình của bộ phận soạn thảo cũng như của Thường trực Hội đồng Dân tộc là vẫn giữ nguyên tên gọi. Tên gọi Đề án đã xác định nội dung là: Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật.
Đặc biệt là có giới hạn về phạm vi: theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013, trong đó Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý việc đưa nội hàm Hiến pháp năm 2013 chính là để giới hạn về phạm vi thời gian cho trọng tâm.
Nhấn mạnh việc xác định được phạm vi là rất quan trọng (xác định trọng tâm là giai đoạn 2013 đến nay), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, hiện nay có vấn đề nào mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập…thì cần nghiên cứu thêm. Cũng về phạm vi (trang 6), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận thấy, Đề án không đề cập đến Đảng, chỉ có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nhưng Phần 2, trang 8 lại phân tích rất sâu chủ trương của Đảng.
Vì vậy, đề nghị cân nhắc trong phạm vi nội hàm và nội dung đề mục phần 2, trang 8 nên ghi là: Thực trạng việc ban hành văn bản của Đảng, Nhà nước (trong đó có các chủ trương, đường lối của Đảng; Hiến pháp; các chính sách, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành). Các văn bản nào cốt lõi, trọng tâm đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc cần được nêu rõ.
Về bố cục Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Đảng đoàn quan tâm nhiều đến những nội dung chính cần làm rõ là: (1) Mục tiêu đề án là gì (như cách tiếp cận đề án ở trên tôi đã nêu); (2) Thực trạng vấn đề đó ra sao (có nêu khái quát, có minh chứng cụ thể); (3) Đánh giá mặt được, mặt tích cực; mặt chưa được, hạn chế, khó khăn (chủ quan, khách quan trong quá trình thực hiện) và logic với phần giải pháp phần sau; (4) Đặc biệt là giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc (vừa đảm bảo lý luận, vừa giải quyết những vấn đề từ thực tiễn).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận
Vì vậy, bố cục phần này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần lưu ý:
Thứ nhất, Đề án phải đánh giá những mặt được, mặt tích cực; phát hiện ra vướng mắc, chồng chéo, bất hợp lý nhưng cũng phải đánh giá mặt được, thành quả, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, Đề án đã nêu hạn chế của Hiến pháp (trang 12), hạn chế của Luật (trang 16), hạn chế của Nghị quyết (trang 18), hạn chế của Chính phủ (trang 20), hạn chế của các bộ, ngành (trang 22), như vậy, phần đánh giá chung phải thống nhất với các nhận định của từng đối tượng ở trên.
Thứ ba, cần viết sao cho rõ ý, gọn, không trùng lắp với các hạn chế ở trang 25 nêu những hạn chế trong hệ thống văn bản pháp luật.
Thứ tư, hạn chế, khó khăn trong việc đồng bộ hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, có thể tách riêng thành 1 mục lớn cho rõ trọng tâm của Đề án.
Thứ năm, không đặt vấn đề tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề đồng bộ chính sách… Không cần thiết đề cập các văn bản hết hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội băn khoăn cân nhắc có nên bổ sung thực trạng tình hình đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay không.
Về phần giải pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu thêm và tập hợp ý kiến góp ý và cho rằng Đảng đoàn sẽ quan tâm nhiều đến các chính sách đề xuất sửa đổi (Phụ lục 16).
Từ những nội dung điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa Đề án liên quan đến các vấn đề như: bố cục, nội dung, phạm vi xây dựng Đề án; đối tượng, phương pháp nghiên cứu xây dựng Đề án; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hóa chính sách dân tộc…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, cuộc họp này nhằm rà soát các quy định liên quan đến chính sách dân tộc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước khi xin ý kiến Đảng đoàn. Chia sẻ với những khó khăn của Hội đồng Dân tộc trong việc xây dựng Đề án này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị sau cuộc họp, Ban soạn thảo, Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp tục chỉnh sửa, có báo cáo giải trình, tiếp thu chi tiết, trình xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội trước khi gửi xin ý kiến Đảng đoàn. Đối với vấn đề nào khó thì đưa ra 2 phương án đề xuất.
Một số hình ảnh tại cuộc họp:
Toàn cảnh cuộc họp
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, đội ngũ cán bộ làm chính sách dân tộc còn thiếu, cách hiểu về chương trình chính sách dân tộc còn khác nhau do thông tin chưa được đầy đủ…, vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng công tác dân tộc tại địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại cuộc họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân góp ý vào việc xây dựng Đề án
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho rằng, đến thời điểm này, Đề án đã rà soát rất đầy đủ, chỉ ra được những bất cập, vấn đề còn chung chung...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc họp./.