CÂN ĐỐI TÀI CHÍNH QUỐC GIA TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH COVID-19

29/07/2021

Mọi hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính… của Việt Nam đều bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trước bối cảnh này, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã có những đổi mới như thế nào để cân đối tài chính, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn tới?

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Mọi hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính của Việt Nam đều bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Thu giảm nhưng chi ngân sách nhà nước lại tăng do công tác phòng, chống dịch được thực hiện trên quy mô lớn. Do vậy, vừa bảo đảm nguồn thu trên nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, vừa điều tiết các khoản chi để không gây áp lực quá lớn lên ngân sách nhà nước; đồng thời đáp ứng kịp thời cho các hoạt động chi ngân sách theo dự toán là nhiệm vụ kép vô cùng khó khăn trong lĩnh vực tài chính, ngân sách giai đoạn này. Trước bối cảnh này, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã có những đổi mới như thế nào để cân đối tài chính đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn tới? Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có cuộc trao đổi với Truyền hình Quốc hội Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trả lời phỏng vấn 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những đổi mới của Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV trên các lĩnh vực tài chính, ngân sách?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Kỳ họp đợt này của Quốc hội diễn ra trong một bối cảnh rất phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đối với Quốc hội vẫn phải quyết định những vấn đề hết sức quan trọng. Về công tác nhân sự, về những vấn đề liên quan đến các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, kế hoạch tài chính Quốc gia 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Có thể nói, sự đổi mới đầu tiên trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài chính đó là sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để chuẩn bị từ sớm, từ xa cách đây 2 tháng. Trong nhiệm kỳ trước đã chuẩn bị các vấn đề cho kỳ họp này, đặc biệt là liên quan đến kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch kinh tế - xã hội, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ khóa trước, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, với tinh thần trách nhiệm của mình, các vị đại biểu Quốc hội khóa trước và các thành viên Ủy ban làm việc hết sức mình. Trên tinh thần chuẩn bị tích cực để bàn giao những nội dung cơ bản cho các cơ quan khóa mới có thể tiếp cận và đi vào hoạt động ngay khi được phê chuẩn và được chỉ định các chức danh quan trọng.

Việc chuẩn bị từ sớm, từ xa còn là căn cứ để phối hợp, tham mưu giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ trên những vấn đề quan điểm chung, những chỉ đạo mang tính đột phá, để làm sao thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra và gần đây nhất là kết luận của Hội nghị Trung ương III về các vấn đề kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách trong điều kiện hiện nay. Một mặt vừa giải quyết các khó khăn, nhưng cái quan trọng là tạo ra một bước đột phá trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư đột phá trên các chiến lược để tạo ra sự phát triển trong thời kỳ mới.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phóng viên: Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh thành cả nước. Quốc hội đã khẩn trương bổ sung nội dung về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất. Xin ông cho biết Quốc hội dành nguồn lực tài chính như thế nào để thực hiện công tác này? Công tác nào sẽ được Quốc hội ưu tiên thực hiện, thưa ông?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Việc dành nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19 đã được chuẩn bị từ nhiệm kỳ trước. Năm ngoái, chúng ta đã có một gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ. Và trước bối cảnh phức tạp hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ đánh giá một cách nghiêm túc, thực chất việc sử dụng gói 62 nghìn tỷ đó, cụ thể đã đạt được gì? chưa đạt được gì? cần phải khắc phục để chuẩn bị làm sao đểcác gói hỗ trợ hiệu quả thiết thực và đến với người dân, đến với doanh nghiệp? Trên cơ sở đánh giá đó, việc phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, để Chính phủ đưa ra các gói giải pháp mới là 26 nghìn tỷ, với đối tượng và về cách thức có nhiều thay đổi, hướng trực tiếp đến các đối tượng bị ảnh hưởng. Như vậy, góp phần tạo điều kiện để chúng ta phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đó là những đối tượng cần thiết. Còn việc chúng ta sử dụng rất đồng bộ các giải pháp, từ việc Chính phủ theo thẩm quyền của mình, sử dụng quyền được miễn, hoãn, giảm các loại phí, các loại thuế, chậm nộp để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời trực tiếp bố trí ngân sách kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt lần này, với chức năng của mình, với sáng kiến lập pháp của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một nội dung rất quan trọng trong Nghị quyết chung để thể hiện các quan điểm bố trí các nguồn lực cho phòng, chống Covid-19. Trong đó, giao thêm thẩm quyền cho Chính phủ trong việc xử lý một số vấn đề liên quan đến ngân sách. Ví dụ như thẩm quyền trong việc sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ, các khoản huy động hợp pháp khác, để làm sao tập trung ưu tiên số một trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có cả việc nếu cần thiết phải cơ cấu lại các khoản thu chi, ngân sách và tăng cường tiết kiệm trên tất cả các lĩnh vực, để có nguồn chúng ta chủ động phòng, chống dịch Covid-19; không để bị động và tập trung cho chiến lược Vaccine và tập trung cho các lực lượng ở tuyến đầu và trang, thiết bị, vật tư y tế, để phòng, chống dịch. Đồng thời, có giao cho Chính phủ có cơ chế đặc thù để làm sao chúng ta có cơ chế để mua sắm trang, thiết bị để mua sắm trang thiết bị kịp thời phục vụ chống dịch.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga