ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỐNG KÊ

07/10/2021

Chiều 07/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự.

 

Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể trực tuyến

Tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Phụ lục; báo cáo làm rõ ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 07 nội dung; cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2021 về phạm vi và nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật (rà soát kỹ không để xảy ra việc chỉ trình Quốc hội sửa phụ lục chỉ tiêu thống kê, sau đó một thời gian ngắn lại đề nghị sửa Luật) và việc xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp hay 02 kỳ họp tùy thuộc vào chất lượng chuẩn bị của dự án Luật.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình số 378/TTr-CP ngày 06 tháng 10 năm 2021 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia căn cứ Điều 18 Luật Thống kê quy định “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Chỉ tiêu thống kê được sửa đổi, bổ sung bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô (tầm quốc gia); phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số.

Sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng.

Nội dung chỉ tiêu thống kê gồm: Khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yêu; kỳ công bố; nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp sẽ được quy định tại Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự thảo lần này sửa tên nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”. Gộp chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ” vào chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo” đồng thời bổ sung phân tổ “Có bằng, chứng chỉ/không có bằng, chứng chỉ”. Tách chỉ tiêu “Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường” thành 02 chỉ tiêu “Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường” và “Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường”.

So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, danh mục chỉ tiêu thống kê lần này, sửa tên nhóm “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07, Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”; nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá”; nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành 13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phát triển bền vững; chuyển đổi số, kinh tế số; Nnâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới. Cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam gồm chỉ tiêu thống kê giới ở cấp độ toàn cầu; chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu; chỉ tiêu thống kê cấp độ ASEAN; chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu (IDI); đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Cập nhật các chỉ tiêu thống kê phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thông kê phản ảnh liên kết vùng và nhóm yếu thế.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, Chính phủ đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, để có số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 03 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.

Một là, bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Hai là, bổ sung quy định về việc định kỳ 05 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tử của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tống sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tử của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn gợi ý nội dung thảo luận

Thảo luận tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc rà soát, hoàn thiện dự án Luật trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá, rà soát về bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê thể chế hóa chủ trương của Đảng, cung cấp thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Trong đó, lưu ý phương thức thống kê, thay đổi phương pháp tính, cách thức thu thập dữ liệu, công bố thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ số. Quy định về chế độ kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước, kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước, chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia, tính minh bạch, công khai quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê ngoài hệ thống thống kê nhà nước.

Dự thảo Luật cần bảo đảm quy định về cơ chế nhà nước đặt hàng cho các tổ chức do Đảng, Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ thực hiện thống kê; cơ chế ủy thác hoặc đặt hàng cho những tổ chức chuyên cung cấp các số liệu thống kê cho thống kê quốc gia. Quy định về cơ quan thống kê nhà nước trong phát triển dịch vụ thống kê và cung cấp thông tin thống kê; gia tăng giá trị của thông tin thống kê; quy định các báo cáo phân tích thống kê, cung cấp dịch vụ thống kê và cung cấp thông tin thống kê. Trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương, Tổng cục thống kê, các Cục thống kê địa phương, trách nhiệm phối hợp của cơ quan thống kê, bộ, ngành trong cung cấp các thông tin thống kê trọng yếu; thẩm quyền trong điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần bổ sung nhưng chỉ tiêu phản ánh liên kết kinh tế vùng, liên kết ngành; thẩm quyền, trách nhiệm cung cấp thông tin thống kê, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu thống kê phản ảnh xu hướng phát triển kinh tế - xã hội về môi trường, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giới và bình đẳng giới, các nhóm yếu thế trong xã hội, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế tư nhân. Đổi mới phương thức kỹ thuật điều tra thống kê, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, dữ liệu lớn; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành cập nhật dữ liệu trực tuyến. Việc phân loại các nhóm chỉ tiêu, chỉ tiêu thống kê quốc gia đảm bảo khoa học, rõ ràng, dễ theo dõi, tiếp phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển kinh tế xã hội phù hợp với hội nhập quốc tế, cam kết quốc tế, thông lệ quốc tế trong kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm, kinh tế số.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua thảo luận cho thấy còn nhiều vấn đề lớn phức tạp cần được tổng kết, đánh giá để có đề xuất sửa đổi, bổ sung, do đó cần cân nhắc phạm vi sửa đổi, bổ sung để bảo đảm hiệu lực, tuổi thọ của luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng băn khoăn về thời hạn trình dự án Luật, hồ sơ dự án luật khi chuyển từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê sang dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có giải trình tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác