Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Pháp luật, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tài chính - Ngân sách; đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Liên doanh Dầu khí Việt - Nga
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Tổng giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, PVN duy trì ổn định sản lượng khai thác, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực, nộp ngân sách Nhà nước 66,1 nghìn tỷ đồng. Để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo, là trụ cột kinh tế đất nước, PVN đề nghị: Quốc hội xem xét các kiến nghị của Tập đoàn đối với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi); ủng hộ PVN đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi nhằm thích ứng với xu hướng dịch chuyển năng lượng ngày càng nhanh trên thế giới; hỗ trợ PVN tháo gỡ các khó khăn liên quan đến công tác quản trị, quản lý hoạt động của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP). PVN đề nghị Quốc hội sớm ban hành cơ chế, chính sách quy định về đầu tư, quản lý vận hành hệ thống Kho Dự trữ Quốc gia về nguyên liệu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất của PVN.
Đại diện Vietsopetro cho biết, với lĩnh vực hoạt động chính là nghiên cứu khoa học, khảo sát, khoan thăm dò địa chất, thiết kế phát triển xây dựng mỏ, khai thác dầu và khí, thu gom xử lý dầu, khí và condensate, Vietsovpetro đã và đang đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ dầu khí cho các đối tác ở Việt Nam và trong khu vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong khai thác dầu khí, nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận cho cả phía Việt và Liên bang Nga. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều thách thức, trong đó một số quy định của Luật Dầu khí còn xung đột, chồng chéo với các Luật liên quan khác. Vietsovpetro mong muốn cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), các văn bản dưới luật cũng sẽ được hoàn thiện sớm, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả tích cực trong hoạt động dầu khí của PVN trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương thành tích của Vietsovpetro và mong muốn Liên doanh tiếp tục phát huy truyền thống, xứng đáng là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga.
Toàn cảnh cuộc làm việc
Về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cao Tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ Ba về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí nhằm bảo đảm 6 yêu cầu chủ yếu sau:
Một là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23.7.2015 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hai là, tăng cường tính minh bạch, hướng tới phát triển bền vững ngành dầu khí, đặc biệt trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian.
Ba là, đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm Luật Dầu khí là luật chuyên ngành về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Bốn là, thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Năm là, thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, trong đó, phát huy vai trò của Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Quy định cụ thể chức năng và cơ chế giám sát, kiểm tra của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN và các đơn vị thành viên. Làm rõ vai trò của PVN với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng khí và với tư cách thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.
Sáu là, xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về hoạt động dầu khí; cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và quy hoạch năng lượng để tạo cơ sở bảo đảm sự đồng bộ, kết nối giữa khai thác khí với việc xây dựng các nhà máy điện khí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới.