HÌNH ẢNH PHIÊN HỌP GÓP Ý CHUYÊN ĐỀ “HOÀN THIỆN CƠ CHẾ BẢO VỆ HIẾN PHÁP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM”

15/10/2021

Chiều 15/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tiểu ban số 03 của Ban Chỉ đạo tổ chức phiên hội góp ý dự thảo Chuyên đề số 12 “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.


Tham dự phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cùng các thành viên Tiểu ban số 03 là đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp góp ý dự thảo Chuyên đề số 12 về “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp

 Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại phiên họp. 

Thảo luận tại phiên họp, cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Chuyên đề số 12, các đại biểu đánh giá cao Tổ biên tập và cơ quan thường trực đã chủ động xây dựng dự thảo Chuyên đề công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính lý luận, khoa học và thực tiễn; bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Một số ý kiến cũng đề nghị cần xây dựng mỗi phần, mục của dự thảo Chuyên đề theo hướng: liệt kê quy định pháp luật điều chỉnh liên quan, đánh giá tính hợp lý và bất cập, hạn chế của cơ chế tổ chức, phương thức vận hành, cũng như quy định pháp luật điều chỉnh. Cùng với đó, cần lý giải cụ thể hơn về lý do lựa chọn các phương án thay đổi mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp trong giai đoạn từ năm 2021 – 2030 và giai đoạn từ năm 2030 – 2045. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp, giao Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Chuyên đề số 12 để gửi Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề của Đảng đoàn; đồng thời đề nghị hoàn thiện Tờ trình Ban Chỉ đạo theo hướng làm rõ quá trình xây dựng Chuyên đề, lấy kiến, hoàn thiện dự thảo; các nội dung xin ý kiến Ban Chỉ đạo về những vấn đề nhận thức chung, đánh giá thực trạng và các phương án, giải pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, nội dung cụ thể của chuyên đề đề nghị soạn thảo thể hiện rõ tính kết nối trong đó kinh nghiệm thế giới, các mô hình và bài học đối với Việt Nam; thực trạng cơ chế bảo vệ Hiến pháp cần làm rõ thực trạng các quy định pháp luật hiện hành, các chủ thể, cách thức tổ chức thực hiện, vận hành...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận trong quá trình xây dựng Chuyên đề, các thành viên Tiểu ban và thành viên Tổ biên tập đã làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, huy động được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, phát huy trí tuệ tập thể; đồng thời đề nghị các thành viên Tiểu ban, Tổ biên tập tiếp tục phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm để tham gia hoàn thiện Chuyên đề bảo đảm chất lượng tốt nhất trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến.

Nghĩa Đức

Các bài viết khác