PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ THANH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT, ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

15/08/2024

Chiều 15/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” họp Phiên thứ Nhất. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ THANH LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC

Toàn cảnh Phiên họp

Dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát.

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngày 26/7/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1114/NQ-UBTVQH15 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ triển khai duy nhất một nội dung giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu khai mạc Phiên họp

Ngày 15/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1141/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Đoàn giám sát, gồm 17 thành viên chính thức và mời đại diện UBTWMTTQ Việt Nam, một số tổ chức thành viên của Mặt trận và một số chuyên gia. Giao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát về nội dung, chương trình, kế hoạch giám sát; tổ chức triển khai thực hiện và tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát.

Để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 8 (dự kiến ngày 20/8/2024), Đoàn giám sát tổ chức Phiên họp thứ Nhất để ra mắt thành viên Đoàn giám sát và thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Kế hoạch giám sát chi tiết; Các Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát; đề cương gửi Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan; Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát có tính chất quan trọng, trực tiếp liên quan đến việc cụ thể hóa, thể chế hóa khâu đột phá thứ ba trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận khác của Trung ương. Quốc hội và cử tri rất kỳ vọng về những tác động tích cực sau giám sát, nhất là những kiến nghị Đoàn giám sát về giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Vì vậy, đề nghị các thành viên Đoàn giám sát phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến đi thẳng vào vấn đề, nêu rõ quan điểm và đề xuất cụ thể để tạo điều kiện cho Tổ giúp việc tiếp thu, hoàn thiện các văn bản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ 

Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ đã trình bày Nghị quyết số 1141/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ cũng Báo cáo tiến độ một số công việc của cơ quan thường trực Đoàn giám sát. Theo đó, cơ quan thường trực Đoàn giám sát đã xây dựng dự thảo các văn bản theo quy định của Đoàn giám sát; trao đổi, xin ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đề cương, Kế hoạch, Báo cáo giám sát…

Theo đó, mục đích giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất kiến nghị, giải pháp (về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện) để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Dự kiến, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với đại diện Chính phủ, một số Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và giám sát trực tiếp tại một số địa phương. Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2025.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã cơ bản nhất trí với dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đóng góp hoàn thiện các dự thảo đề cương Báo cáo giám sát, Kế hoạch giám sát, đối tượng giám sát, thời hạn gửi báo cáo đến Đoàn giám sát; Phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh – Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh – Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng và trình ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, chuẩn bị các tài liệu của Phiên họp thứ Nhất đầy đủ, nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng.

Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát, Kế hoạch giám sát chi tiết, Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Đoàn ĐBQH, của đối tượng chịu sự giám sát, của các cơ quan, đơn vị có liên quan; Phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát; Đồng thời nhấn mạnh hoạt động giám sát cần đảm bảo yêu cầu vừa toàn diện nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm.

Về Kế hoạch giám sát chi tiết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, tiếp thu ý kiến của thành viên Đoàn, tiếp tục rà soát để bảo đảm phạm vi, nội dung, đối tượng giám sát phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Rà soát kỹ tiêu chí lựa chọn địa phương, cơ quan, đơn vị nơi Đoàn đến làm việc bảo đảm tiết kiệm, khoa học, chất lượng, hiệu quả.

Về Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội, của đối tượng chịu sự giám sát, của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Tổ giúp việc tổ chức làm việc cụ thể với các bộ, ngành có liên quan để thống nhất về nội dung chuyên môn của đề cương giám sát. Rà soát hoàn thiện đề cương báo cáo của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của đối tượng chịu sự giám sát, của các cơ quan, đơn vị có liên quan để tránh trùng lặp.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan thường trực Đoàn giám sát tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, hoàn thiện các văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp ngày 20/8/2024.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì Phiên họp

Đại biểu tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa phát biểu

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu

Đại biểu tham dự Phiên họp

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác