Chiều ngày 17/01, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới, các Phó Chủ nhiệm cùng Ủy viên của Ủy ban cùng đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; một số Bộ ngành, cơ quan khác.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban QPAN.
Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: Trong năm 2021, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid - 19 bùng phát trong phạm vi cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế -xã hội và đời sống nhân dân; tác động không nhỏ đến hoạt động của cả hệ thống chính trị nói chung trong đó có Quốc hội và Ủy ban QPAN, nhưng với sự cố gắng của Thường trực cũng như từng thành viên Ủy ban QPAN, nhất là có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các cơ quan đơn vị hữu quan, Uỷ ban QPAN đã hoàn thành tốt chương trình kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ.
Về công tác xây dựng pháp luật: Là năm đầu của nhiệm kỳ, theo chương trình xây dựng luật năm 2021, Ủy ban QPAN được phân công chủ trì thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. Ủy ban QPAN cũng nắm tiến độ và tình hình xây dựng 3 dự án: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (là những dự án luật Ủy ban đã thẩm tra trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Chính phủ đang nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội).
Ngoài ra, Ủy ban QPAN phối hợp thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội; xây dựng báo cáo định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó có 15 dự án luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực Ủy ban QPAN phụ trách cần sửa đổi, bổ sung và ban hành mới; Nghiên cứu, xây dựng báo cáo tham gia thẩm tra 10 dự án luật, nghị quyết và 01 đề án theo sự phân công của UBTVQH.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban QPAN đã thể hiện sự phối hợp hiệp đồng, cộng tác chặt chẽ giữa Ủy ban, Thường trực Ủy ban, với cơ quan soạn thảo, các đơn vị, địa phương hữu quan, các đồng chí cộng tác viên là những nhà quản lý, nhà khoa học đã phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban QPAN trong công tác khảo sát và tổ chức tọa đàm phục vụ nghiên cứu, chuẩn bị nội dung thẩm tra và chỉnh lý dự án Luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra.
Về hoạt động giám sát, khảo sát: Năm 2021, hoạt động giám sát của Ủy ban QPAN chủ yếu tập trung các nội dung: Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngân sách quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2; Tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021- 2025; Tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thi hành luật thuộc lĩnh vực Ủy ban QPAN phụ trách; Xây dựng dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; Xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát, tọa đàm phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức phát biểu tại Hội nghị.
Về hoạt động đối ngoại: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, năm 2021, Thường trực Ủy ban không tổ chức các Đoàn đối ngoại theo dự kiến nhưng đã phối hợp chủ trì đón tiếp, làm việc với các Đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm, làm việc tại Việt Nam và tham gia các hoạt động đối ngoại theo sự phân công của lãnh đạo Quốc hội.
Phối hợp chuẩn bị nội dung và tham gia các Phiên họp toàn thể và phiên họp Tiểu ban của Đại hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA 42); tham gia Hội nghị APEC trực tuyến; đồng chủ trì hội nghị trực tuyến với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội CHDCND Lào về Luật Biên giới của Lào; tham gia khảo sát tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc do Ủy ban Đối ngoại chủ trì.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban QPAN đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia trong tham mưu, phục vụ, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện nhiệm vụ do Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, sơ kết, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, tham gia ý kiến theo chức năng đối với các chương trình, đề án theo phân công hoặc đề nghị của cơ quan hữu quan (rất nhiều đề án quan trọng); tham gia thẩm tra các dự án luật, nghị quyết Quốc hội do các cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp thực hiện một số bước trong công tác cán bộ, quy hoạch. Đặc biệt là đã phối hợp hoàn thiện, ký Qui chế phối hợp công tác giữa Ủy ban QPAN với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là tiền đề quan trọng, tạo thuận lợi trong quá trình phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan.
Đánh giá kết quả phối hợp với các cơ quan, tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức nêu rõ: Có được những kết quả trên, trước hết do sự chủ động của Thường trực Ủy ban cùng với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị và cá nhân các đồng chí có mặt tại đây hôm nay. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình, Ủy ban QPAN thấy rằng, sự tham gia, hỗ trợ của các đồng chí từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, đến triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể đã góp phần không nhỏ cho hoạt động của Ủy ban được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Đề cập phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, Ủy ban QPAN tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.
Về hoạt động xây dựng pháp luật: Năm 2022, Ủy ban QPAN ngoài nhiệm vụ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động, còn dự kiến có 11 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, ban hành mới các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Cụ thể: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tách từ Luật Giao thông đường bộ); Luật Căn cước công dân; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (hoàn thành trước 30/6/2022). Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật chuyên ngành quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước với vai trò Thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng QPAN; Luật Phòng không nhân dân; Luật Động viên công nghiệp; Luật Công nghiệp quốc phòng; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự (hoàn thành trước 31/12/2022).
Về hoạt động giám sát: Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; ngân sách quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phòng cháy và chữa cháy và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo chức năng, nhiệm vụ, đòi hỏi sự phối hợp, cộng tác hết sức chặt chẽ giữa Ủy ban và các cơ quan hữu quan.
Về hoạt động đối ngoại: Dự kiến tổ chức Đoàn đối ngoại của Ủy ban thăm, làm việc tại Hoa kỳ; tổ chức Đoàn công tác tham dự Hội nghị lần thứ 5 giữa Ủy ban QPAN của Quốc hội Việt Nam với Ủy ban tương ứng của Quốc hội Vương quốc Campuchia và CHDCND Lào; phối hợp tổ chức đón tiếp các đoàn đối ngoại của Quốc hội các nước và tham gia các hội nghị song phương, đa phương theo phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó còn một số hoạt động khác của Ủy ban cũng đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong nắm và tổng hợp kịp thời thông tin, tình hình về quốc phòng, an ninh và đối ngoại theo yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội. Năm 2022 là năm diễn ra hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày Quốc hội khóa IX thành lập Ủy ban QPAN (25/9/1992 - 25/9/2022).
Công tác phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, với khối lượng công việc khá nặng nề như vậy, để có thể hoàn thành đúng tiến động, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của từng thành viên Ủy ban, Thường trực Ủy ban QPAN rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp, cộng tác ngày càng gắn bó và hiệu quả của các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan và toàn thể các đồng chí trong năm 2022 và trong những năm tiếp theo.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm tổ chức Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của đất nước, cũng là năm đất nước ta cũng phải chống đỡ với khó khăn, thách thức rất lớn do đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh..., ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban QPAN.
Quốc hội đã tổ chức thành công 3 kỳ họp (trong đó có kỳ họp bất thường vừa qua). Ngoài việc hoản thiện tổ chức bộ máy và nhân sự của Nhà nước, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội; ban hành nhiều Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, tái cơ cấu nền kinh tế...; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội...; các quyết sách hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân; Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, trong thời gian ngắn. Đây là những kết quả của tinh thần trách nhiệm rất cao, sự làm việc nỗ lực, tích cực của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban QPAN.
Đối với Ủy ban QPAN, điểm nổi bật là ngay sau Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự của Ủy ban, trong điều kiện nhiệm vụ phức tạp, nhạy cảm, có yêu cầu rất cao, Ủy ban QPAN đã khẩn trương ban hành quy chế hoạt động của Ủy ban nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thành lập 4 Tiểu ban; xây dựng và ký Quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đồng thời, thống nhất triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ thuộc chức năng, quyền hạn được giao trong hoạt động lập pháp, giám sát và tham mưu trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ủy ban QPAN đã chuẩn bị tốt nội dung tiến hành thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; chủ động nắm các dự án luật đã được phân công chủ trì thẩm tra; tham gia có hiệu quả vào việc thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và các dự án luật theo phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về dự kiến chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa Quốc hội thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Ủy ban cũng thẩm tra các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách QPAN trong năm; tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; về phòng cháy, chữa cháy; thực hiện có chất lượng việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thi hành thuộc lĩnh vực Ủy ban QPAN phụ trách...; Tham gia có chất lượng, hiệu quả đối với: Đề án của Bộ Chính trị về lĩnh vực quốc phòng theo đề nghị của Văn phòng Trung ương Đảng; các chuyên đề, đề án của Đảng đoàn Quốc hội giao; ...
Ngoài ra, Ủy ban QPAN đã tổ chức thực hiện và hoàn thành một khối lượng lớn công việc: trong công tác phục vụ bầu cử; tham dự các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội và một số cơ quan hữu quan; tổ chức tốt việc khảo sát về lực lượng Cảnh sát cơ động để giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2...
Những kết quả mà Ủy ban QPAN đã đạt được trong năm qua là rất trân trọng, thể hiện sự cố gắng lớn lao, tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất trong Ủy ban QPAN và sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của thường trực Ủy ban QPAN cùng với sự nỗ lực cao nhất của đội ngũ cán bộ, công chức Vụ QPAN trong nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Ủy ban. Đây là những tiền đề vững chắc, để Ủy ban QPAN phát huy, hoàn thành thẳng lợi nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thay mặtUỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, đánh giá cao, nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Ủy ban QPAN đã đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng cho sự thành công của Quốc hội trong năm qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban QPAN; tán thành ý kiến phát biểu của các đồng chí. Đồng thời, đề nghị với Ủy ban quan tâm một số nội dung:
Thứ nhất: Quán triệt đầy đủ và tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tập trung vào các chủ trương, đường lối, quan điểm về lĩnh vực QPAN; các Đề án, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Thứ hai: Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo, dự án; nhiệm vụ, ngân sách QPAN, tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; ý kiến tham gia thẩm tra, chỉnh lý đối với một số dự án Luật do Ủy ban khác chủ trì thẩm tra theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trú trọng những nội dung liên quan đến QPAN, trật tự, an toàn xã hội; kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật Cảnh sát cơ động, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội bảo đảm chất lượng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 2/2022.
- Đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực QPAN; tham gia có hiệu quả các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội theo kế hoạch năm 2022; đẩy mạnh hoạt động nghe báo cáo giải trình của các Bộ, ngành; nâng cao chất lượng giám sát thường xuyên nhiệm vụ, ngân sách QPAN và chất lượng giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.
- Chủ động, phối hợp chặt chẽ trong nắm chắc tình hình về QPAN để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến QPAN; đầu tư nghiên cứu, tham mưu có chất lượng những vấn đề quan trọng của đất nước. Chú trọng lĩnh vực QPAN; nghiên cứu những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; những vấn đề mới, phức tạp về QPAN như vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh con người (trong đó có phòng, chống dịch COVID-19)... để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, khả thi.
Thứ ba: Thực hiện nghiêm nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số; bảo đảm hiệu quả hoạt động của Uỷ ban cùng với chất lượng, hiệu quả hoạt động của Vụ Quốc phòng và An ninh; thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của Ủy ban và các quy chế hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất; phát huy trí tuệ tập thể và của từng thành viên Ủy ban; xây dựng Tổ đảng Thường trực, cấp ủy, chỉ bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò người đứng đầu trong quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn; cầu thị, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Thứ tư: Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Vụ QPAN chuyên sâu, chuyên nghiệp, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; gắn bó, trách nhiệm, tâm huyết với công việc; kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích cao; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần để động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ủy ban; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tới đây) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng Quốc hội và Nghị quyết về biên chế hành chính của Văn phòng Quốc hội giai đoạn 2022 – 2026.
Năm 2022 đã bắt đầu với nhiệm vụ khó khăn và nhiều thách thức, đòi hỏi ngày càng cao về trách nhiệm, trí tuệ và tầm nhìn để có những đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với truyền thống của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kỳ vọng Ủy ban QPAN sẽ tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo. Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nhất định Ủy ban QPAN sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về công tác xây dựng pháp luật, các giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội...
Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Lê Tấn Tới phát biểu Kết luận Hội nghị.
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Lê Tấn Tới thay mặt Ủy ban xin tiếp thu đầy đủ nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và ghi nhận các ý kiến tham gia, đóng góp của các quý vị đại biểu với Ủy ban. Trên tinh thần đó, Ủy ban sẽ nghiên cứu, cụ thể hóa bằng chương trình, hành động, kế hoạch thực hiện từng nội dung, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022 đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Lê Tấn Tới nhấn mạnh: Năm 2021 dù còn nhiều khó khăn, nhất là các thành viên Uỷ ban có sự thay đổi, nhiều đồng chí mới về Uỷ ban. Song với tinh thần học hỏi, quyết tâm và sự đoàn kết, đồng lòng, Uỷ ban đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2022, dù khó khăn thách thức vẫn còn phía trước nhưng với truyền thống vẻ vang, sự chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo của tập thể Ủy ban và Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban QPAN Lê Tấn Tới tin rằng, Uỷ ban QPAN nhất định sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban QPAN Lê Tấn Tới bày tỏ cảm ơn tới sự quan tâm của Lãnh đạo Quốc hội, sự phối hợp, hỗ trợ của các quý cơ quan, các quý vị đại biểu, đặc biệt là các cơ quan phối hợp, các đơn vị chuyên sâu, các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Thời gian tới, Ủy ban QPAN rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ Lãnh đạo Quốc hội, nhất là đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách Ủy ban, sự đồng hành, phối hợp, chia sẽ, hỗ trợ của các cơ quan Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ, ban, ngành để Ủy ban QPAN hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.