THƯỚC ĐO VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ LÀ HIỆU QUẢ

12/09/2022

“Thước đo của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là hiệu quả…” là nhận định của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội – Trưởng Đoàn giám sát tại Phiên họp Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” cho ý kiến vào dự thảo các Báo cáo của Đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 15.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp cho ý kiến dự thảo các Báo cáo của Đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Phiên họp Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho ý kiến vào dự thảo các Báo cáo của Đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội 

Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, Đảng, Nhà nước luôn tập trung chỉ đạo mạnh mẽ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, các văn kiện Đại hội  Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII luôn nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội là công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong giai đoạn 2016 -2021, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ  Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luật, chỉ thị liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên cơ sở các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, công tác tổ chức quán triệt, giáo dục chủ trưởng của Đảng, chính sách của Nhà nước đã được thực hiện tích cực. Việc triển khai thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn tồn tại không ít những bất cập, hạn chế.

Thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” để đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 Bộ, cơ quan trung ương và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, để bổ sung, làm rõ thêm các thông tin, số liệu liên quan đến công tác điều tra, xét xử, thi hành án liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đoàn giám sát đã tổ chức buổi làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp.

Trên cơ sở phân tích, tổng hợp, đánh giá báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cùng với kết quả giám sát thực tế, đến thời điểm này, Đoàn giám sát đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề  trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 15.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Đoàn giám sát cho ý kiến dự thảo các Báo cáo của Đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, hiệu quả chính là thước đo của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cần rà soát kỹ lưỡng việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ, làm cơ sở để xác định tiết kiệm hay lãng phí.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội – Trưởng Đoàn giám sát

Qua giám sát, Đoàn giám sát chỉ ra rằng, việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ trên nhiều lĩnh vực, cả trung ương và địa  phương làm cơ sở cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ; chưa kịp thời; nhiều chế độ, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời xem xét rà soát, sửa đổi bổ sung; một số lĩnh vực hoạt động mới hoặc thay đổi  ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới chưa cập nhật để ban hành định mức mới, nhất là tiêu chuẩn định mức của một số công tác có tính chất chuyên ngành, đặc thù.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, những tồn tại, hạn chế nêu trên vừa là điểm nghẽn về chính sách, vừa thiếu căn cứ pháp lý để kiểm tra, đánh giá, xử lý việc lãng phí nguồn lực, điển hình như: Quy định về định mức chi tiêu thường xuyên đối với một số khoản chi tiêu đã được áp dụng từ lâu, lạc hậu nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh; Hệ thống định mức xây dựng còn một số hạn chế (hệ thống định mức dự toán ban hành chưa bao phủ được hết các công tác xây dựng có yêu cầu công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại; chưa bao phủ hết định mức của một số công trình có tính chất chuyên ngành và đặc thù; Một số định mức ban hành có hao phí định mức thấp, chưa sát với thực tế thi công xây dựng công trình, ảnh hưởng đến đơn giá, chi phí xây dựng công trình);..

Ngoài ra, một số lĩnh vực quản lý mới như quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công là kho số viễn thông, kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần só vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh chưa xây dựng được cơ chế, tiêu chuẩn, định mức quản lý, khai thác để tăng cường tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng và thu nộp về ngân sách nhà nước những khoản thu được theo nhu cầu thị trường từ các tài sản này;

Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành địa phương chậm ban hành cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức của ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện. Có đơn vị chưa hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ cao, cơ chế tài chính đặc thù, cơ chế quản lý sử dụng khoản thu theo tỷ lệ trích nộp từ các nguồn thu của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc cho các hoạt động.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với UBND Tp. Hà Nội ngày 22/08

Nhận định của Đoàn giám sát là hoàn toàn có căn cứ, bởi thực tiễn qua giám sát thực tế cũng đã chứng minh bộ, ngành, địa phương nào việc ban hành hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ kịp thời, hoàn chỉnh, ở đó công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả khả quan. Đơn cử, tại thành phố Hà Nội một trong những điểm sáng không thể không nhắc đến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc hoàn chỉnh định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Hiện nay, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã cắt giảm 130 quy định và 454 định mức được hoàn chỉnh, 1.571 hạn mức đơn giá được thực hiện. Đây chính là căn cứ, cơ sở giúp Tp. Hà Nội đạt được một số kết quả tích cực trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ là "xương sống", khung căn bản để thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, căn cứ xác định công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có đạt hiệu quả hay không. Vì vậy, việc rà soát kỹ lưỡng, kịp thời bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin, trang thiết bị y tế, dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ sản phẩm đặc hữu là vô cùng cấp thiết./.

Lê Anh

Các bài viết khác