LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Quang cảnh Hội thảo
Cần bám sát hơn nữa yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), các đại biểu tập trung góp ý vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đa số ý kiến cơ bản tán thành với những nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Tuy nhiên, đề nghị cần bám sát hơn nữa yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; tăng cường giám sát chuyên đề, giám sát nhằm kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng. Đồng thời cần lưu ý những vấn đề đã được tổng kết, đánh giá, kề thừa phát huy những mặt được, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2014.
Các đại biểu dự Hội thảo
Về nguyên tắc hoạt động giám sát, một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung một số quy định về nguyên tắc cũng như các điều khoản cụ thể trên cơ sở tổng kết thực tiễn là cần thiết. Đồng thời tán thành với phương án 1 theo đề nghị của Ban soạn thảo. Theo đó, bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 3: “2a. Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc viết lại cho gọn hơn, rõ hơn. Đồng thời cần xem xét thêm một số nguyên tắc đã được tổng kết và quy định trong các văn bản của Quốc hội và HĐND để bổ sung vào Luật.
Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, sớm tổng kết việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng, tổng kết thực tiền tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất mô hính chính quyền đô thị, tạo cơ sở thực tiễn để tiến tới mô hình chính quyền đô thị thống nhất áp dụng cho toàn quốc.
Liên quan đến việc bổ sung tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, một số ý kiến cho rằng, cần tiến hành giám sát đúng mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm và cần thiết phải có các tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám sát. Cụ thể, vấn đề bức xúc được đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và cử tri quan tâm gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm lựa chọn. Đối với gám sát của HĐND cấp tỉnh, chủ đề giám sát không trùng với chủ đề giảm sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội trong khoảng 02 năm tính đến thời điểm lựa chọn.
Đây là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của Quốc hội khóa XV
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Ban soạn thảo dự án Luật. Đồng thời ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban soạn thảo và Tổ biên tập phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để thực hiện khối lượng công việc lớn kể từ khi lập Hồ sơ đề nghị dự án Luật rất chu đáo, thận trọng. Sau Hội thảo này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần có lộ trình và cách làm khoa học hơn, cụ thể hơn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ý kiến nào không tiếp thu thì cần có giải trình.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ lập pháp rất quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là dự án Luật khó vì phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung liên quan đến nhiều luật. Và mong muốn của các chuyên gia, nhà khoa học là sửa đổi toàn diện, thậm chí có đề xuất nên nghiên cứu tách thành 2 luật là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của HĐND. Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi Luật lần này là chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều.
“Qua nghiên cứu, một số vấn đề mà các chuyên gia, nhà khoa học đặt ra rất khó và do phạm vi sửa đổi của Luật lần này là sửa đổi, bổ sung một số điều nên chưa đủ sức giải quyết ngay như về hệ quả giám sát, khái niệm hoạt động giám sát của Quốc hội, về giám sát tư pháp, về tại sao không dùng Ủy ban lâm thời, về giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, phân cấp phân quyền, phạm vi, đối tượng như thế nào… Đây là những vấn đề lớn nhưng Luật lần này chưa thể giải quyết một cách thấu đáo. Do đó, mong các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ với Ban soạn thảo điều này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, UBTVQH rất quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ dự án Luật này, đồng thời UBTVQH cũng yêu cầu Luật này phải mẫu mực cả về nội dung, mẫu mực về trách nhiệm và mẫu mực cả về quy trình.
Với 11 ý kiến tham gia phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, Hội thảo có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, nhiều ý kiến có phát hiện mới, có cơ sở thực hiện, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập tiếp thu ý kiến của các đại biểu và thay đổi cách làm phù hợp hơn, Ban soạn thảo phân công các thành viên chịu trách nhiệm ở từng lĩnh vực và tiếp tục rà soát nội dung.
Cần lưu ý một số nội dung trọng tâm
Qua các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần lưu ý một số nội dung sau:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng liên quan đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Thứ nhất, phải tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, các văn kiện có liên quan đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND như Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận 843-KL/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục nâng cao, đổi mới chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội.
Thứ hai, rà soát kỹ lưỡng các luật chuyên ngành, trong đó cần chú ý Luật Thủ đô.
Thứ ba, cần bám sát vào 4 Nghị quyết của Quốc hội (gồm Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; Nghị quyết 71/2022/QH15 về Nội quy kỳ họp; Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn) và 5 Nghị quyết của UBTVQH (gồm Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 về ban hành quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội; Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 về hướng dẫn một số hoạt động của HĐND; Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết 596/NQ-UBTVQH14 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình).
Các chuyên gia, khách mời dự Hội thảo
Thứ tư, cần tuân thủ nguyên tắc: Vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và đạt được sự đồng thuận thì luật hóa; còn vấn đề nào chưa được thực tiễn kiểm nghiệm thì chưa luật hóa.
Thứ năm, xử lý tình trạng “luật khung, luật ống” và giải quyết vấn đề thực tiễn.
Thứ sáu, luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nêu rõ thời gian từ nay đến Phiên họp thứ 39 của UBTVQH không còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu các nội dung ngoài các nội dung nêu trên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và có giải trình thấu đáo.
Ngoài ra, về tiêu chí lựa chọn giám sát chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần kế thừa từ Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 về ban hành quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội, dự thảo Luật chỉ nên khái quát cơ bản, tránh cá biệt hóa các vấn đề thực tiễn vào luật.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh của Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo điều hành nội dung thảo luận
Các đại biểu dự Hội thảo
GS.TS Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Khoa học của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII tham gia góp ý ý về nguyên tắc hoạt động giám sát và một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII góp ý về giám sát của HĐND tại các địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo các Nghị quyết của Quốc hội
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội tham gia góp ý tại Hội thảo về giám sát chuyên đề và việc bổ sung tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát
Nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường góp ý về vấn đề điều hoạt hoạt động giám sát
Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu tham gia góp ý về sửa đổi, bổ sung quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng phát biểu tại Hội thảo về hoạt động giám sát của HĐND
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành góp ý tại Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm./.