Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam GS.VS Đặng Vũ Minh chủ trì Hội thảo.
Tham gia Hội thảo còn có các đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các nhà quản lý về khoa học và công nghệ của các Bộ ngành, các chuyên gia đến từ Hội khoa học và kỹ thuật, các chuyên gia của các trường, viện nghiên cứu có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, năm 2015 là năm cuối để hoàn thành các chương trình, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội theo chu kỳ ngân sách 5 năm và chuẩn bị cho xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo (2016- 2020) theo Luật ngân sách nhà nước 2015 và các chính sách, pháp luật mới có liên quan. Để góp phần sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành giám sát chuyên đề “Phân bổ và sử dụng ngân sách cho khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2015”.
Hoạt động giám sát chuyên đề bao gồm rà soát, đánh giá các quy định của chính sách, pháp luật về phân bổ và sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2015; đánh giá hiệu quả quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách khoa học công nghệ của các bộ, ngành và địa phương; làm rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ; qua đó đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách khoa học công nghệ giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận, phân tích, đánh giá về việc phân bổ và sử dụng ngân sách cho khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2015. Những nội dung được trao đổi sẽ là cơ sở để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoàn thiện Báo cáo giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2011- 2015, cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ liên tục được hoàn thiện, đồng bộ, bao gồm các cơ chế khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ chế quản lý nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ.
Báo cáo chỉ ra rằng việc bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ tính cả chi khoa học và công nghệ trong an ninh, quốc phòng đã cơ bản đảm bảo được mục tiêu, đạt mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5%- 0,6%GDP). Kinh phí đầu tư phát triển phân bổ cho cơ quan trung ương chiếm 49%, địa phương chiếm 51%. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ phân bổ cho các cơ quan trung ương chiếm 75% và địa phương chiếm 25%. Hiện nay, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65%- 70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ.
Đánh giá về tình hình phân bổ và sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ thông qua sơ kết thực hiện các mục tiêu giai đoạn 2011- 2015 như về giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị, mức tăng số lượng công bố quốc tế, số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam, báo cáo cho thấy các chỉ tiêu trên liên tục được cải thiện, đáp ứng được mục tiêu đề ra, có những chỉ số liên tục tăng qua các năm.
Tán thành với nhiều nội dung của của báo cáo, các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng báo cáo đã cung cấp chi tiết số liệu về tình hình phân bổ và sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2015.
Khẳng định cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ có nhiều cải tiến song so với nhu cầu thực tế cuộc sống thì những thay đổi trên chưa tạo ra đột phá trong cơ chế tài chính. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.
TS. Trần Việt Hùng- nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, muốn tạo đột phá trong đầu tư khoa học và công nghệ thì phải thu hút ngày càng nhiều nguồn lực đầu tư, đặc biệt là từ các doanh nghiệp. Do đó, trong hoạt động khoa học và công nghệ không thể trông chờ hoàn toàn vào ngân sách nhà nước mà phải thu hút đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách. Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu đầu tư đổi mới khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
TS. Vũ Đình Ánh- Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhận định trong bối cảnh quy mô chi ngân sách cho sự nghiệp khoa học và công nghệ rất ít như hiện nay phải đặt ra yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn vồn cũng như huy động thêm các nguồn lực bên ngoài. Nếu như hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục thực hiện rất tốt thì trong lĩnh vực khoa học công nghệ lại chưa thực hiện được hiệu quả.
Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Xuân Bá- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW khẳng định, phát triển khoa học công nghệ cần gắn với phát triển kinh tế. Trong hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ, Nhà nước cần đặt ra những vấn đề then chốt, quan trọng để ưu tiên đầu tư phát triển thay vì ôm đồm, phân bố dàn trải. Trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ khoa học công nghệ mới xác định phân bổ ngân sách theo tiêu chí, cơ sở lý luận và thực tiễn rõ ràng, công khai, tránh xin- cho.