Toàn cảnh cuộc làm việc
Tham dự cuộc làm việc về phía Quốc hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát là thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Đoàn ĐBQH, đại diện các Vụ, Cục thuộc VPQH; thành viên Tổ giúp việc của Đoàn giám sát…
Về phía các bộ ngành có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; đại diện các UBND tỉnh, thành phố; đại diện Kiểm toán Nhà nước; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, cuộc làm việc với Bộ Công Thương là cuộc làm việc đầu tiên và là một trong những cuộc làm việc quan trọng nhất trong chuỗi các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành trung ương; là cơ sở để tiếp tục làm rõ một số vấn đề nhằm bổ sung, hoàn thiện báo cáo giám sát để tới đây báo cáo UBTVQH và cũng là tiền đề để làm việc với các Bộ, ngành khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các đại biểu tập trung báo cáo, trao đổi, làm rõ một số vấn đề sau đây:
(1) Về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; (2) Về cơ sở hạ tầng ngành năng lượng; (3) Về thị trường năng lượng cạnh tranh (đặc biệt là vấn đề giá điện, bình ổn giá xăng dầu,…); (4) Về việc tái cơ cấu ngành năng lượng, nhất là ngành điện; (5) Về các dự án năng lượng trong nước do Nhà nước đầu tư chậm tiến độ, thua lỗ, đầu tư ra nước ngoài nhiều rủi ro mất vốn; (6) Về Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch phân ngành năng lượng khác (than, dầu khí); (7) Về vấn đề chuyển dịch năng lượng; (8) Những vấn đề khác có liên quan (sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; điện hạt nhân; nguồn nhân lực; đất đai; khoa học, công nghệ; bảo vệ môi trường; các vấn đề xã hội (bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng của các dự án năng lượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số); các vấn đề về quốc phòng, an ninh; tình hình phát triển năng lượng đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa; (9) Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực năng lượng.
Với mỗi vấn đề nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị tập trung vào việc đánh giá, làm rõ:
- Kết quả nổi bật đã đạt được;
- Tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, sai phạm (nếu có), nguyên nhân (khách quan, chủ quan);
- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là của người đứng đầu; việc xử lý trách nhiệm;
- Giải pháp và đề xuất, kiến nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu mở đầu cuộc làm việc
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công thương báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của Bộ Công thương bám sát đề cương của Đoàn giám sát, nêu được rõ một số vấn đề quan tâm. Các ý kiến cho rằng, ngành công thương đã nỗ lực tham mưu cho Nhà nước về ban hành các chủ trương, chính sách phát triển năng lượng trong thời gian qua, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Các ý kiến trao đổi thẳng thắn, cởi mở, công tâm, khách quan, tập trung vào chính sách, pháp luật liên quan phát triển năng lượng trong giai đoạn vừa qua (Luật Điện lực, Luật Tài sản công, pháp luật về năng lượng tái tạo tách riêng ra thành Luật Năng lượng tái tạo hay tích hợp thành một chương trong Luật Điện lực…). Các ý kiến cũng tập trung vào hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, Quy định, Thông tư, các tiêu chuẩn, quy chuẩn; các cơ chế, chính sách về kinh tế năng lượng, tài chính năng lượng.
Về tổ chức thực thi, thành viên Đoàn giám sát thảo luận tương đối toàn diện, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: an ninh năng lượng (chủ yếu tập trung an ninh năng lượng điện); hạ tầng năng lượng; đề cập đến các dự án cụ thể.
Các thành viên Đoàn giám sát
Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Báo cáo của Bộ Công thương cần toàn diện, đầy đủ hơn, làm rõ hơn các ý kiến về tình trạng thiếu hụt năng lượng, phân bổ năng lượng giữa các vùng miền, sự đồng bộ giữa an ninh năng lượng và hạ tầng năng lượng; về điện lưới quốc gia; làm rõ về hợp tác quốc tế…; phân tích đánh giá về các nguyên nhân, giải pháp…
Các ý kiến Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công Thương bổ sung Danh mục của các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ đề xuất cần điều chỉnh, bổ sung, làm mới hoặc hủy bỏ; Danh mục các dự án còn đang tồn đọng, vướng mắc, khó khăn… Đồng thời có Báo cáo bổ sung của Bộ gửi Đoàn giám sát trước ngày 25/7/2023.
Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường quan tâm đến chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết 55 đã nêu rõ: yêu cầu phải có cơ chế khuyến khích, thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ về năng lượng bao gồm cả hệ thống điện truyền tải quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chậm trễ trong việc tham mưu văn bản quy phạm pháp luật. Từ Nghị quyết 55 tháng 11/2020 đến nay, có một số các quy định và các văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa chủ trương rất quan trọng này của Đảng thì chưa có và chậm, dẫn đến hệ thống hạ tầng năng lượng của nước ta đang rất khó khăn; thiếu cơ chế để thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư cho hệ thống truyền tải điện; thiếu cơ sở vật chất về năng lượng… Do đó, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, hệ thống lưới truyền tải điện của quốc gia bị thiếu, chậm được đầu tư và hệ thống truyền tải điện là yếu tố cản trở sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, và qua đối chiếu thì chưa đạt tiêu chuẩn N1 như Nghị quyết 18.
Thứ hai, hệ thống hạ tầng nhập khẩu, trung chuyển than quy mô lớn, kho cảng nhập khẩu, khí thiên nhiên hóa lỏng NLG chậm được triển khai, hiện số số lượng kho quá khiêm tốn, không thể đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Thứ ba, hệ thống kho cảng xăng dầu đầu tư còn dàn trải và giá trị thấp, dự trữ dầu thô quốc gia chưa được đầu tư, chưa được quan tâm xây dựng.
Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Đại biểu cho rằng, nhìn chung hạ tầng năng lượng đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức. Đề nghị Bộ Công thương cho biết nguyên nhân sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng; trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu, thuộc cá nhân, tổ chức nào; đến bao giờ có quy định cụ thể để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, cơ chế thu hút vốn ngoài Nhà nước và xã hội hóa tối đa đầu tư cơ sở vật chất liên quan đến hạ tầng năng lượng.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị Bộ Công thương cho biết nguyên nhân chủ quan của sự chậm trễ, thiếu, không ổn định của chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua, trách nhiệm của Bộ và bao giờ giải quyết được điểm nghẽn này.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Bộ Công thương làm rõ đến lúc này có cần thiết ban hành Luật Năng lượng tái tạo hay không? Từ đó làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển nhanh tiềm năng, lợi thế điện mặt trời, điện gió ở nước ta. Nếu cần thiết thì đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần bắt tay ngay vào việc tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành chiến lược phát triển theo định hướng quy hoạch điện VIII đã thông qua.
Từ những câu hỏi đặt ra của các thành viên Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Công thuơng Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của thành viên Đoàn giám sát, nội dung giải trình rõ ràng, chi tiết, cụ thể liên quan đến các vấn đề: về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, về cơ sở hạ tầng ngành năng lượng, về năng lượng tái tạo, về quy hoạch điện VIII, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; về thị trường năng lượng (đặc biệt là vấn đề giá điện...)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận cuộc làm việc
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương trong chuẩn bị Báo cáo gửi Đoàn giám sát, Báo cáo của Bộ được chuẩn bị công phu, nêu bật được khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng, cung cấp thông tin, bất cập trong hệ thống chính sách pháp luật cũng như quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Bộ Công thương về điều chỉnh một số nội dung của các Luật, các chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hộ Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Công thương đánh giá rõ tác động các công trình thủy điện hiện nay đến đời sống của người dân, mục tiêu đã giải quyết được gì, đề nghị cập nhật số liệu giữa các thời kỳ. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Báo cáo của Bộ Công thương cần đi vào các giải pháp cụ thể, tránh chung chung, phải đặt ra mốc thời gian, mục tiêu cụ thể để giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng; xác định rõ trách nhiệm của Bộ; quan tâm về cơ chế điều hành xăng dầu.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ý kiến đã đề xuất giải pháp cụ thể về an ninh năng lượng quốc gia, thị trường điện cạnh tranh; thị trường xăng dầu; về tái cơ cấu ngành năng lượng (nhất là ngành điện); quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, quy hoạch điện XVIII và các quy hoạch phân ngành năng lượng khác (than, dầu khí); công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Công thương tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, sớm hoàn chỉnh Báo cáo, nêu rõ, cụ thể hơn về bất cập, hạn chế chính sách, cần tập trung hơn về giá điện, thị trường điện; tính bền vững, ổn định an ninh năng lượng trước mắt và lâu dài; các vấn đề về chiến lược; về quy hoạch điện VIII, bổ sung các chỉ tiêu, hiệu quả sử dụng năng lượng, chỉ rõ trách nhiệm của Bộ trong từng vấn đề… Đồng thời đề nghị Bộ báo cáo, làm rõ đối với một số dự án cụ thể.
Đoàn giám sát sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và gửi Tổ giúp việc tổng hợp, bổ sung vào Báo cáo của Đoàn giám sát.
Một số hình ảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát và Bộ Công thương:
Toàn cảnh cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH
Đại diện Bộ Công thương
Các thành viên Đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, cuộc làm việc với Bộ Công Thương là cuộc làm việc đầu tiên và là một trong những cuộc làm việc quan trọng nhất trong chuỗi các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành trung ương; là cơ sở để tiếp tục làm rõ một số vấn đề nhằm bổ sung, hoàn thiện báo cáo giám sát để tới đây báo cáo UBTVQH và cũng là tiền đề để làm việc với các Bộ, ngành khác.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Bộ Công thương làm rõ đến lúc này có cần thiết ban hành Luật Năng lượng tái tạo hay không? Từ đó làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển nhanh tiềm năng, lợi thế điện mặt trời, điện gió ở nước ta.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ đánh giá cao báo cáo của Bộ Công thương bám sát đề cương của Đoàn giám sát.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.
Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Công thương cho biết nguyên nhân sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng; trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu, thuộc cá nhân, tổ chức nào?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại cuộc làm việc.
Đại biểu Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp góp ý vào Báo cáo của Bộ Công thương.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực này. Đây là công cụ quan trọng trong việc nâng cao thực thi hiệu quả pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ các vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Công thương tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, sớm hoàn chỉnh Báo cáo, nêu rõ, cụ thể hơn về bất cập, hạn chế chính sách, cần tập trung hơn về giá điện, thị trường điện; tính bền vững, ổn định an ninh năng lượng trước mắt và lâu dài; các vấn đề về chiến lược; về quy hoạch điện VIII; chỉ rõ trách nhiệm của Bộ trong từng vấn đề.../.