GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016-2021 ĐÁP ỨNG ĐƯỢC MONG MỎI CỦA CỬ TRI

08/09/2023

Tại Phiên họp thứ 4 diễn ra chiều 08/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đáp ứng được mong mỏi của cử tri cũng như hội nhập quốc tế liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng cũng như thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả...

PHIÊN HỌP THỨ 4 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016-2021”

ĐOÀN ĐẠI BIỂU CÁC CƠ QUAN QUỐC HỘI VIỆT NAM THAM GIA KHÓA ĐÀO TẠO CHUYÊN SÂU VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG TẠI AUSTRALIA

Chiều 08/9, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ 4 của Đoàn Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Tham dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi cùng các Ủy viên; đại diện các Ủy ban của Quốc hội cùng các đơn vị hữu quan.

Toàn cảnh Phiên họp.

Ngày 04/8/2022 và ngày 29/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và số 582/NQ-UBTVQH15 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Các Nghị quyết nhằm đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 và các giai đoạn trước, sau có liên quan, làm rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật  về phát triển năng lượng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, làm tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa nội dung báo cáo của các cơ quan Trung ương, kết quả xử lý, tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ kết quả giám sát thực tế tại 11/11 địa phương, kết quả làm việc với Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 03/03 tập đoàn năng lượng, kết quả 07 hội thảo, tổ chức Đoàn đại biểu đi khảo sát, học tập tại Australia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và nhiều vòng tham vấn chuyên gia, nhà khoa học.

Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, làm nền tảng hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định được vai trò, vị trí quan trọng của ngành năng lượng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Các đại biểu, thành viên Đoàn Giám sát tham dự Phiên họp.

Trong giai đoạn 2016-2021, Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành 04 Nghị quyết, 02 Kết luận nhằm định hướng phát triển ngành năng lượng, đáp ứng đồng bộ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, các cơ quan nhà nước ở trung ương đã ban hành 257 văn bản quy phạm pháp luật. 

Nhìn chung, công tác thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng được triển khai khá kịp thời. Pháp luật ngành năng lượng từng bước được hoàn thiện, tiến độ công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ngành năng lượng được đẩy nhanh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Công tác quy hoạch đã được quan tâm, chú trọng, đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và các phân ngành năng lượng than, điện, khí đều đã có quy hoạch cụ thể. Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng về cơ bản tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển năng lượng đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và là nguồn lực quan trọng để phát triển các ngành, lĩnh vực khác; bảo tồn, phát triển, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn năng lượng; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút nguồn lực đầu tư; chuyển đổi năng lượng công bằng; tích hợp, đồng bộ với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cam kết giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng thành chính sách, pháp luật cụ thể nói chung và trong từng phân ngành nói riêng chưa thật toàn diện, đồng bộ; tính hệ thống, thống nhất đôi chỗ còn chưa cao. Đến nay, chưa có chương trình tổng thể xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng. Pháp luật riêng trong từng phân ngành (than, dầu khí, điện, năng lượng mới và năng lượng tái tạo) được xây dựng tương đối độc lập, quy định cụ thể rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính liên thông và kết nối; hình thức, giá trị pháp lý và chủ thể ban hành khác nhau. Còn tình trạng quy định chung chung, thiếu cụ thể, chi tiết, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, thiếu thống nhất ngay trong văn bản quy phạm pháp luật cùng phân ngành, giữa các phân ngành năng lượng khác và với hệ thống pháp luật nói chung. Một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành thiếu kịp thời, bị “nợ đọng”. Một số quy định chưa bám sát thực tế, chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng, chưa lường hết những rủi ro, phát sinh, việc bố trí nguồn lực chưa tương xứng để thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch năng lượng có nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở dữ liệu, thông tin; năng lực dự báo còn hạn chế; tiến độ chậm, thường xuyên phải điều chỉnh (như đánh giá sản lượng than khai thác vừa qua thấp hơn dự kiến; giai đoạn tới sẽ khó tăng sản lượng khai thác đạt yêu cầu); một số nhiệm vụ quy hoạch thiếu tính khả thi; yếu tố thị trường, khía cạnh kinh tế, tài chính năng lượng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các giải pháp huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện quy hoạch. Việc chậm ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, các quy hoạch phân ngành than, điện, dầu khí, nhất là Quy hoạch điện VIII đã làm ảnh hưởng tới việc việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và tiến độ triển khai các dự án năng lượng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đoàn giám sát, Tổ giúp việc đã xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên để giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021", gửi xin ý kiến thành viên Đoàn giám sát, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Công Thương (văn bản số 607/ĐGS-KHCNMT ngày 31/8/2023 của Đoàn giám sát).

Đến nay, đã có 13/22 đồng chí thành viên Đoàn giám sát cho ý kiến; có 02/10 cơ quan cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo, trong đó có 02 ý kiến nhất trí với dự thảo, 13 ý kiến cơ bản nhất trí và có góp ý trực tiếp vào dự thảo. Tổ giúp việc đã tiếp thu các ý kiến góp ý và thể hiện như trong dự thảo Báo cáo và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, còn một số góp ý kiến cần xin ý kiến Lãnh đạo Đoàn giám sát trước khi tiếp thu, hoàn thiện.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”; dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”...

Một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát đề nghị, dự thảo Báo cáo tóm tắt cần bổ sung làm rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay trong ngắn hạn; việc đánh giá một số nội dung cần cụ thể hơn để tạo sự thống nhất, tránh dẫn đến cách hiểu khác. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các hạn chế, bất cập, như chỉ rõ văn bản pháp luật nào còn chưa phù hợp, kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ văn bản nào… từ đó, chỉ ra được cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm thực hiện làm nhiệm vụ sửa đổi các văn bản đó. Ngoài ra, nhiều ý kiến nhận định, chuyên đề giám sát lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng để Nhân dân theo dõi, nắm bắt, trong đó, phải chọn được điểm nhấn trong giám sát; chọn được các nền tảng truyền thông.

Về dự thảo Nghị quyết, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, cần bổ sung thêm đánh giá về chính sách thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội trong lĩnh vực năng lượng; đưa ra được các giải pháp để chủ động được nguồn năng lượng trong tương lai; cần bổ sung thêm vào phụ lục nội dung chính cần sửa đổi các văn bản là gì để có định hướng cụ thể…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã đáp ứng được mong mỏi của cử tri cũng như hội nhập quốc tế liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn Giám sát, các cơ quan, đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo, nghị quyết; đồng thời đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện các Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại Phiên họp.

Các đại biểu, thành viên Đoàn Giám sát tham dự Phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh thông tin về công tác truyền thông việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Tổng Biên tập báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh.

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Thị Hiền.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đóng góp ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Thanh Vân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp; đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn Giám sát, các cơ quan, đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo, nghị quyết; đồng thời đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện các Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.

Bích Lan-Nghĩa Đức

Các bài viết khác