Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: Cần quy định rõ ràng, đầy đủ hơn

15/08/2014

Ngày 15-8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về dự án luật.

Quang cảnh hội thảo

Trong những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Mặt khác, các hoạt động trên biển có mối liên hệ, tác động nhất định đến nhau, cùng với tính chất liên thông của biển thì trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét đến vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn thủy sản. Để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực, cần áp dụng một phương thức mới để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đó là phương thức quản lý tổng hợp.

Trước thực tế này, các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng tình cao với việc cần thiết ban hành một luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để đồng bộ và đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng dự án. Dự án với 10 chương và 76 điều đã đáp ứng được nhiều đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn có những quy định chung chung.

PGS, TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế cho rằng, việc đưa quy định về điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học về tài nguyên môi trường biển và hải đảo là điểm mới của dự án. Tuy nhiên, những quy định về nghiên cứu khoa học trong đề án còn chưa đầy đủ, thiếu thuyết phục. Theo PGS TS Nguyễn Bá Diến, cho rằng Ban soạn thảo cần luật hóa đưa vào luật một số quy định về nghiên cứu khoa học đã được quy định trong Công ước năm 1982 của Liên Hợp quốc về Luật Biển. Ngoài việc này, Ban soạn thảo cần nghiên cứu các công ước về biển khác để luật hóa nhằm bảo vệ tối đa môi trường biển và hải đảo của nước ta.

PGS, TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ và PGS, TS Lê Kế Sơn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều cho rằng đề án còn thiếu một số quy định, nhưng lại có nhiều quy định trùng lặp với những quy định trong luật chuyên ngành khác có liên quan. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập và đề nghị cần nghiên cứu một cách cụ thể, toàn điện để quy định được đầy đủ, không trùng lặp.

(Theo Quân đội Nhân dân Online)