Quy định trách nhiệm trong hoạt động dự báo khí tượng thủy văn

13/05/2015

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, chiều ngày 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật khí tượng thủy văn. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo bổ sung các quy định về trách nhiệm trong hoạt động dự báo khí tượng thủy văn.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật khí tượng thủy văn.

Luật có hiệu lực sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có hiệu quả.

Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo cần xem xét hoàn thiện một số nội dung trong dự thảo Luật chưa được quy định cụ thể như: quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thực hiện công tác dự báo khí tượng thủy văn không chính xác gây ra hậu quả nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng người dân.

Ảnh: TTXVN

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Luật cần phải làm rõ “việc dự báo sai thì trách nhiệm thế nào”. Thực tế thời gian qua đã có không ít trường hợp dự báo sai, không chính xác về thời điểm đổ bộ, cường độ bão gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng đến nhận thức của người dân, hiệu quả công tác phòng tránh hậu quả thiên tai.

Dự thảo Luật mới chỉ nói rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan. Đây là trách nhiệm làm nhưng chưa có trách nhiệm chịu. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm và phải quy định trong luật - Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị

Ảnh: Đình Nam

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, vấn đề trách nhiệm cần được đưa vào nguyên tắc của Luật. Phần nguyên tắc phải có quy định về tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, những chủ thể tham gia trong hoạt động khí tượng thủy văn. Sau đó, phải cụ thể hóa về các trách nhiệm phải làm, trách nhiệm phải chịu như thế nào.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, một trong những yếu tố cốt lõi của vấn đề trách nhiệm cũng như hiệu quả công tác dự báo là con người. Trong khi đó, Luật chưa có chính sách gì về con người, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác quan trắc chưa thỏa đáng, đặc biệt là quan trắc viên làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biển, biên giới, hải đảo. Vì vậy, Luật cần có các quy định nhằm đảm bảo điều kiện làm việc cũng như chế độ đãi ngộ đối với cán bộ trong lĩnh vực này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trao đổi về một nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình xin ý kiến Quốc hội như điều kiện xã hội hóa; việc chia sẻ thông tin, phối hợp sử dụng thông tin dự báo; hoạt động thông tin truyền thông về khí tượng thủy văn, mở rộng độ phủ sóng thông tin, vai trò của báo chí; vấn đề hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn và đào tạo nguồn nhân lực.

Dự án Luật khí tượng thủy văn sẽ trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Bảo Yến