Theo Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết 8 năm thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 đồng thời bổ sung một số nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế của công tác bảo vệ môi trường.
Do vậy, về cơ bản, nội dung của Dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi. Cùng với đó, việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước, đáp ứng được sự hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, bên cạnh những điểm mới, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) vẫn còn còn “mang” một số khoản quy định còn chung chung, thiếu cụ thể nên rất khó áp dụng vào thực tiễn. Do đó, ban soạn thảo cần cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, về việc đánh giá tác động môi trường, Tờ trình của Chính phủ có nêu: “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ không cần thiết phải thẩm định, do đó sẽ không phát sinh các thủ tục hành chính.” Tuy nhiên, tại điểm c khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật quy định “Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ phải được lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
“Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định này để đảm bảo thực sự là không phát sinh thủ tục hành chính và khắc phục được vấn đề lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội,” ông Võ Nhân nhấn mạnh.
Về việc đánh giá môi trường chiến lược, ông Nhân cho rằng việc phân nhóm chiến lược, quy hoạch cần lập đánh giá tác động môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần rad soát, chỉnh sửa, bổ sung cho đúng và đầy đủ các loại chiến lược, quy hoạch phải lập đánh giá môi trường chiến lược.
“Cùng với đó, việc loại bỏ đánh giá môi trường chiến lược đối với tất cả các kế hoạch cũng cần xét lại. Bởi vì có loại kế hoạch cũng tiềm ẩn, có thể gây tác động xấu đến môi trường,” ông Nhân nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề khởi kiện môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường, bà Bùi Thị An, thành viên đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể phát hiện trong thời gian ngắn, kể từ ngày xảy ra vi phạm, nhưng cũng có thể phát hiện sau nhiều năm.
Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại, chỉ được khởi kiện trong vòng 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm hại. Trên thực tế, nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện đã hết thời điểm khởi kiện.
“Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định thời hiệu khởi kiện, yêu cầu thiệt hại về môi trường theo hướng 2 năm tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm,” bà An khuyến nghị.
Tại phiên họp, các vấn đề như bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, bảo vệ môi trường làng nghề, quan trắc môi trường, những quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 cần được giữ lại cũng được các đại biểu cho ý kiến, nhằm sớm hoàn thiện Luật.