TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM XÂY DỰNG PHÁP LUẬT GIỮA CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI LÀO

18/10/2021

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào trong việc trao đổi kinh nghiệm công tác chuyên môn giữa các Ủy ban của Quốc hội, sáng 18/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào đồng chủ trì Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu khai mạc tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Tham dự từ phía điểm cầu Quốc hội Việt Nam có: Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng; các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này.

Tham dự từ phía điểm cầu Quốc hội Lào có: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Sanya Praseth; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào; Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lào; các đại biểu Quốc hội; các nhà nghiên cứu…

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trong bối cảnh Quốc hội Lào đang nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xem xét, ban hành các luật như Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Biên giới quốc gia, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội Lào mong muốn tham khảo kinh nghiệm từ các Uy ban chuyên môn của Quốc hội Việt Nam để có thêm thông tin phục vụ ban hành 02 Luật trên, lãnh đạo Quốc hội Việt Nam đã chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị để phối hợp tổ chức Hội thảo với các cơ quan của Quốc hội Lào.

Toàn cảnh cuộc hội thảo tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt quan trọng, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu khoa học về trái đất, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần nâng cao dân trí. Sản phẩm đo đạc và bản đổ chủ yếu là thông tin, dữ liệu không gian địa lý cần thiết cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, ngày 14/ 6/2018, tại Kỳ hop thứ 5, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua theo quy trình tại 02 Kỳ hop. Cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan được Chinh phủ Việt Nam giao chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quá trình biên soạn, thẩm định, thẩm tra, xem xét trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ luôn có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với các Bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, đây là Hội thảo hữu ích đối với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan liên quan của hai nước Việt Nam – Lào. Đây không chỉ là dịp để chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các đồng nghiệp ở Quốc hội Lào mà còn là cơ hội để các đại biểu Quốc hội Việt Nam, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhìn lại về Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 và việc quy định chi tiết, hưởng dẫn thi hành Luật này sau gần 3 năm có hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng tin tưởng rằng, hai nước Việt Nam- Lào sẽ kiểm soát tốt và thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19 để tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới về phát triển kinh tế -xã hội; Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân hai nước được trực tiếp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đầy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt – Lào.

+ Theo chương trình, chiều ngày 18/10, Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội Lào tổ chức Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Biên giới quốc gia.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin nội dung Hội thảo./.

Hồ Hương