Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức lớn đối với quá trình phát triển của nước ta. Việt Nam hiện là một trong 30 quốc gia có nguy cơ chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm tới vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, sự nỗ lực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương cũng đã đem lại những kết quả đáng kể. Đặc biệt là năng lực ứng phó với BĐKH đã có những bước tiến đáng kể. Một số kết quả chính đạt được như: nhận thức về BĐKH của các ngành, các cấp, tổ chức và người dân đã có bước chuyển biến tích cực; thể chế, chính sách, bộ máy tổ chức về BĐKH bước đầu được thiết lập; nhiều hoat động thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện; vai trò, vị thế của Việt Nam được nâng cao và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế được tăng cường…
Hiện nay có hơn 300 văn bản khác nhau về ứng phó với BĐKH, điều này chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là rất cao, các chủ trương đưa ra rất đồng bộ, tuy nhiên vẫn chưa cụ thể, mới chỉ dừng lại ở mức định hướng. Bởi vậy, việc trao đổi về việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đề xuất cần luật hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan đến công tác ứng phó với BĐKH bởi hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức chủ trương trong các chiến lược, kế hoạch mà chưa có quy định cụ thể; cần đặt ra cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các bộ, ban, ngành trong ứng phó với BĐKH hiện nay.