Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, đại diện các Viện, trường, Hiệp hội ngành nghề, nhà sản xuất, chuyên gia, nhà khoa học cùng các thành viên Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, sản xuất và sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiên môi trường đang là xu thế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. Việc sử dụng tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng gắn với bảo vệ môi trường là yêu cầu hàng đầu được đặt ra cho mỗi quốc gia và mỗi ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô.
Ngày nay, sự phát triển nóng các phương tiện cá nhân trong giao thông đã khiến các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí một cách trầm trọng. Ngành công nghiệp ô tô thế giới đang đứng trước một câu hỏi lớn là làm sao để sản xuất được loại xe không làm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. Công nghệ ô tô Hydro, ô tô điện, ô tô pin mặt trời… đều là các giải pháp mới, đang được nghiên cứu triển khai. Các hãng xe ô tô hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua luôn nghiên cứu, đổi mới công nghệ để có sản phẩm tốt nhất cho lời giải giữa phát triển kinh tế với yêu cầu bảo vệ môi trường.
Trước những yêu cầu đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học với các bộ ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế về chính sách phát triển xe ô tô thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó giúp Việt Nam xây dựng chính sách, pháp luật với những cơ chế thuận lợi và phù hợp hơn nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ mới trong ngành sản xuất ô tô thân thiện với môi trường trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Công thương tại Hội thảo, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tác động lan tỏa, kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu trong nước. Dự báo nhu cầu thị trường ô tô trong nước vào năm 2025 có thể lên đến 600.000 xe/năm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con thân thiện môi trường gồm các loại xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thu ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam như eco car, xe hybrid, xe điện…
Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam xác định các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các dòng xe thân thiện môi trường gồm chính sách hỗ trợ về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu; chính sách kích cầu, hỗ trợ phát triển thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về đất đai và hạ tầng. Các dự án sản xuất, lắp rắp xe thân thiện với môi trường có quy mô lớn, ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi như trên sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ, ưu đãi đối với từng dự án cụ thể theo quy định của pháp luật đầu tư.
Cụ thể các nội dung chính sách hỗ trợ về thuế, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì dự án đầu tư sản xuất, lắp rắp ô tô trong đó co dự án đầu sản xuất, lắp rắp ô tô thân thiện môi trường thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án đầu tư. Theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại xe thân thiện với môi trường cũng được áp dụng mức thuế suất thấp hơn so với loại xe chạy bằng xăng. Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất ô tô bao gồm ô tô thân thiện môi trường cũng được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và lệ phí trước bạ.
Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Bùi Thanh Tùng phát biểu tại Hội thảo
Thảo luận tại Hội thảo, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Bùi Thanh Tùng cho biết thực tế các chính sách ưu đãi hỗ trợ đã được quy định trong luật như chính sách khuyến khích phát triển dòng xe thân thiện môi trường đã có từ năm 2008 tuy nhiên thực tế số lượng dòng xe này nhập khẩu và sản xuất trong nước là rất ít. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do các bộ chưa có cách hiểu thống nhất về khái niệm các loại xe thân thiện với môi trường, các tiêu chí đánh giá dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng. Đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị cần sớm có những giải thích cụ thể về các khái niệm, tiêu chuẩn kỹ thuật xác định loại xe thân thiện môi trường làm căn cứ xác định các mức ưu đãi về thuế để các chính sách ưu đãi được thực hiện đồng bộ, đi vào cuộc sống.
Một số đại biểu khác cho rằng, công nghệ luôn thay đổi không ngừng, chính sách ưu đại quy định trong luật không nên quy định một loại xe hay một loại công nghệ cụ thể nào mà cần sử dụng thuật ngữ có tính khái quát, áp dụng đối với nhiều loại phương tiện khác nhau. Điều quan trọng là phải có xác định mức độ phát thải của phương tiện, đánh giá mức độ thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn phát thải khí thải, mức tiêu hao năng lượng làm căn cứ để xác định các mức thuế ưu đãi. Xây dựng chính sách phát triển ô tô thân thiện với môi trường cần phải đảm bảo sự công bằng giữa các dòng xe cùng tên sao cho các xe đáp ứng tỷ lệ phát thải thấp nhất sẽ được hưởng lợi ích cao nhất.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý việc xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế cần phải có đánh giá tác động theo hướng các ưu đãi có làm giảm giá thành sản phẩm, mở rộng nguồn cung, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm là dòng xe thân thiện môi trường.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh phát biểu tại Hội thảo
Kết luận các nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh cho biết trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Thường trực Ủy ban sẽ tổng hợp đánh giá, kiến nghị và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc đề xuất chỉnh sửa các quy định liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe ô tô thân thiện với môi trường để các bộ ngành có cách hiểu và áp dụng thống nhất để các chính sách đi vào cuộc sống. Theo đó, quy định của pháp luật không nên chi tiết quá vào những thông số kỹ thuật mà cần định hướng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát thải ra môi trường ít nhất như quy định các xe cùng chủng loại công suất mà đáp ứng giảm trên 30% phát thải ra môi trường sẽ được hưởng ưu đãi.