UỶ BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG KHẢO SÁT TẠI QUẢNG NINH

17/01/2018

Ngày 16.1, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng, Quảng Ninh là nơi có ngành đo đạc và bản đồ phát triển sớm hơn so với các địa phương khác; cũng là nơi tập trung số lượng lớn các cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ đến làm việc. Ngoài ngành than, hiện nay còn hàng trăm cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng đang làm công tác chuyên môn về đo đạc và bản đồ trong các cơ quan về tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông, thủy lợi, lâm nghiệp với đầy đủ các chuyên ngành trắc địa cao cấp, trắc địa công trình, trắc địa ảnh, trắc địa bản đồ, trắc địa mỏ, trắc địa công trình ngầm, viễn thám… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 36 đơn vị được Cục đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Hàng năm, các đơn vị này đều báo cáo kết quả hoạt động đo đạc và bản đồ đã thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tùng cũng cho biết, những năm gần đây, Quảng Ninh thực hiện một số dự án lớn cần phải san gạt, xúc bốc đất đá cùng với việc khai thác khoáng sản làm đất đá bị sụt lở, bồi lấp, thay đổi địa hình làm ảnh hưởng hồ sơ các điểm mốc đo đạc, khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ các dấu mốc; trong khi đó cán bộ địa chính các phường, xã thường xuyên luân chuyển. Hệ thống bản đồ địa hình do Cục đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý cung cấp có hệ tọa độ khác với các loại bản đồ đang sử dụng trên địa bàn Quảng Ninh...

Quảng Ninh đề nghị, trong dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới đây, nên bổ sung nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ. Đó là, dự án đo đạc và bản đồ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm không chồng chéo, không thực hiện dự án đo đạc và bản đồ khi đã có dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phù hợp, đáp ứng yêu cầu. Nguyên tắc này thể hiện tính thống nhất trong quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, tránh đo đạc chồng chéo, lãng phí.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định, công tác đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh được thực hiện rất tốt, theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực trong phát triển KT - XH của địa phương.

Cũng tại cuộc làm việc, một số thành viên Đoàn khảo sát đề nghị, Quảng Ninh cần làm rõ trách nhiệm của địa phương trong công tác đo đạc và bản đồ, đặc biệt là khi công tác chỉnh lý biến động bản đồ địa chính không theo kịp với biến động sử dụng đất. Đồng thời trao đổi làm rõ thêm về việc thực hiện xã hội hóa trong công tác đo đạc và bản đồ ở Quảng Ninh; việc đo đạc và xác lập bản đồ ở các không gian ngầm như tại các mỏ than ra sao; ứng dụng khoa học và công nghệ trong đo đạc và bản đồ… Những ý kiến và kiến nghị của Quảng Ninh là cơ sở quan trọng để Đoàn khảo sát xem xét, hoàn thiện dự án Luật Đo đạc và bản đồ trình Quốc hội sắp tới.

+ Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát đã làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, Công ty cổ phần địa chất mỏ - TKV.

 

Hoàng Ngọc

(Theo ĐBND)