PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CẦN TRIỂN KHAI GIẢI TRÌNH NGAY NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ TÍNH THỜI SỰ, VẤN ĐỀ BỨC XÚC MÀ CỬ TRI NÊU RA
TỔNG KẾT, RÚT KINH NGHIỆM CÔNG TÁC XÂY DỰNG LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC
Toàn cảnh cuộc họp tổng kết, đánh giá công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Đề cập về triển khai công tác lập pháp trong năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trong năm tới, khối lượng công việc lập pháp của Ủy ban là khá lớn.
Thứ nhất: Ủy ban sẽ thẩm tra Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về vấn đề này.
Thứ hai: Thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8; thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Thứ ba: Ủy ban sẽ theo dõi, chuẩn bị kế hoạch thẩm tra các dự án Luật khác có thể được bổ sung như: dự án Luật Điện lực (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dự án Luật Cấp thoát nước, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số... và chủ động triển khai thực hiện khi các dự án này được đưa vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra.
Thứ tư: Ủy ban cũng sẽ tham gia phối hợp thẩm tra các nội dung khác theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về công tác giám sát: Trong năm 2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ cử đại diện Thường trực Ủy ban tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia thẩm tra, đánh giá các Báo cáo của Chính phủ theo quy định và các nội dung khác theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mặt khác, Ủy ban sẽ triển khai giám sát thường xuyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ năm 2024, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ năm 2025; tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2025.
Năm 2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ thẩm tra Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (ảnh minh họa: Internet).
Đối với việc Giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các công trình quan trọng quốc gia: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ thực hiện giám sát Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14; Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023; giám sát việc tình hình thực hiện Nghị quyết số 92/2023/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết yết số số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về dự án đường Hồ Chí Minh.
Mặt khác, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng sẽ giám sát văn bản quy phạm pháp luật và các hoạt động giám sát khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Ngoài ra, Ủy ban sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo đảng, Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội phân công và các nhiệm vụ khác thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Ủy ban sẽ tham gia thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đề cập về công tác tổ chức, triển khai thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, để đảm đương được khối lượng công việc trên, ngay từ những tháng cuối năm 2023, Thường trực Ủy ban đã triển khai phân công công việc trong 04 Tiểu ban; xây dựng Kế hoạch triển khai cho từng nhiệm vụ; tìm kiếm thông tin, tài liệu liên quan, xác định các vấn đề cần tập trung làm rõ. Chủ nhiệm Ủy ban tổ chức làm việc với từng Tiểu ban để triển khai các công việc của năm 2024.
Giám sát thường xuyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ năm 2024, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ năm 2025 cũng là một trong những nhiệm vụ được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ thực hiện.
Thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện nguồn lực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi phân công thẩm tra các dự án Luật, đặc biệt là với các dự án luật do Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để bảo đảm chất lượng, tiến độ thẩm tra, tham mưu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật.
Bên cạnh đó, cần xem xét, sửa đổi quy định về Danh mục bí mật Nhà nước đối với cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là đối với các báo cáo giám sát để tạo thuận lợi cho việc thực hiện hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định và thực thi nhiệm vụ của công chức Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cần quan tâm hơn nữa tới điều kiện làm việc, nhà ở, chế độ tiền lương, phụ cấp, nghỉ dưỡng... đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ công chức Văn phòng Quốc hội trong điều kiện thường xuyên phải làm thêm giờ, làm việc ngày nghỉ./.