Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội đối với các điều ước quốc tế về quyền con người

29/12/2015

Sáng 29/12, tại Hà Nội, Ủy ban đối ngoại phối hợp với Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội đối với các điều ước quốc tế về quyền con người” nhằm trao đổi thông tin, đề xuất giải pháp đóng góp vào việc hoàn thiện dự án Luật ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh nêu rõ, quyền con người là những giá trị cao quý, kết tinh từ nền văn hóa của tất cả các dân tộc trên thế giới. Là thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng, cốt lõi về quyền con người như: Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều văn kiện của tổ chức lao động quốc tế (ILO) về quyền của người lao động và tích cực tham gia trong nhiều cơ chế đối thoại nhân quyền đa phương và song phương khác.

Trong thời gian qua, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã xem xét, phê chuẩn hai Công ước cốt lõi là Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhận đạo hoặc hạ nhục con người. Đây là biểu hiện rõ rệt, thể hiện cam kết chính trị của Nhà nước ta về bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại cho rằng, Hội thảo này là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia Luật và người làm công tác thực tiễn trao đổi, thảo luận về vai trò, sự tham gia của Quốc hội trong giám sát thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; mong muốn các chuyên gia đóng góp các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hoạt động giám sát của Quốc hội đối với các điều ước quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận về vai trò, sự tham gia của Quốc hội trong tiến trình đàm phán, ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế; đặc điểm giám sát của Quốc hội đối với các điều ước quốc tế; so sánh với việc giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước với việc thực hiện pháp luật trong nước; Chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam và vấn đề giám sát thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng được nghe PGS.TS Vũ Công Giao trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài “Tăng cường giám sát của Quốc hội với các điều ước quốc tế về quyền con người” do nhóm nghiên cứu Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện điều ước quốc tế, các đại biểu cho rằng, Quốc hội cần tăng cường phổ biến thông tin, phổ biến các điều ước Quốc tế về lao động và xã hội; nâng cao năng lực và hiểu biết về các điều ước quốc tế của các đại biểu Quốc hội; thúc đẩy quan hệ đối tác giữa cơ quan Quốc hội với các tổ chức Liên Hợp Quốc, đặc biệt là tổ chức lao động Quốc tế thông qua việc cập nhật và chia sẻ thông tin thường xuyên về việc thực hiện các tiêu chuẩn của tổ chức lao động quốc tế…

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu; cho rằng các kiến nghị có ý nghĩa thiết thực, phục vụ hữu ích trong hoạt động của Ủy ban Đối ngoại và các đơn vị hữu quan, để không ngừng hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở nước ta. Ủy ban Đối ngoại ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị của các đại biểu tại Hội thảo trong việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, hiện đang được trình Quốc hội cho ý kiến để xem xét, thông qua trong thời gian tới.

Tin và ảnh: Đặng Mai