ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI LÀM VIỆC TẠI KHÁNH HÒA

03/07/2023

Sáng 03/7, tại thành phố Nha Trang, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; khảo sát vấn đề thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với hoạt động đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU).

CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI VŨ HẢI HÀ TIẾP ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN INDONESIA TẠI VIỆT NAM

Quang cảnh cuộc làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa Lê Thị Nguyệt cho biết, số liệu thống kê từ ngày 1.1.2022 đến 15.6.2023, Sở Tư pháp tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 4 hồ sơ yêu cầu cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, 9 hồ sơ yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; hỗ trợ tra cứu và cung cấp thông tin về tình trạng quốc tịch cho 410 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đăng ký thường trú theo đề nghị của cơ quan công an trên địa bàn. Đồng thời, đã giải quyết đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với một số thủ tục phải có mặt công dân khi nhận hoặc trả kết quả như: Đăng ký kết hôn; đăng ký nhận cha, mẹ, con, đã kiểm tra kỹ hộ chiếu người nước ngoài, thời hạn được tạm trú hợp pháp tại Việt Nam trước khi tiếp nhận giải quyết và trả kết quả hồ sơ, chỉ đạo các Phòng Tư pháp trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thực tế; đồng thời mời công dân Việt Nam đến trụ sở cơ quan để làm việc, trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết để công dân xem xét, cân nhắc về quyết định kết hôn…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều cải cách hành chính, nhưng một số thủ tục còn rườm rà, khiến kiều bào muốn đầu tư, hoạt động từ thiện... gặp khó khăn, phần nào hạn chế hiệu quả công tác vận động, kêu gọi kiều bào về nước hợp tác, đầu tư.

Việc ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài bảo tồn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng đất nước còn chậm, chưa đồng bộ, kết quả còn hạn chế. Công tác phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện công tác bảo hộ công dân chưa được đồng bộ và kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam phát biểu

Báo cáo việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành về bảo hộ công dân, trong đó tập trung vào nội dung bảo hộ công dân đối với đối tượng là chủ tàu cá/ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, đại diện Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết, Sở luôn chủ động phối hợp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình tàu cá, ngư dân của địa phương bị nước ngoài bắt giữ để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời; đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc đưa ngư dân về nước và triển khai thực hiện bảo hộ công dân với trường hợp ngư dân của địa phương gặp rủi ro, bị nạn ở nước ngoài.

Kịp thời cung cấp thông tin về đường dây nóng tổng đài bảo hộ công dân; lợi ích của việc thông qua đường ngoại giao và Quỹ Bảo hộ công dân để được giúp đỡ về nước, quy trình phối hợp trong việc xác minh, hỗ trợ, thu xếp đưa ngư dân bị phía nước ngoài bắt giữ trở về nước và hoàn tạm ứng đưa ngư dân về nước.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (TP. Hải Phòng) phát biểu

Về thực hiện giải pháp ngăn chặn tàu cá, ngư dân địa phương đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, đại diện Sở Ngoại vụ tỉnh cho biết, hàng năm, tỉnh đều ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền về biển đảo và công tác bảo hộ ngư dân trên địa bàn dành cho đối tượng là ngư dân và cán bộ, công chức, viên chức, nhằm thông tin kịp thời về quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biên cương lãnh hải, giúp ngư dân nâng cao ý thức chấp hành luật pháp quốc gia, quốc tế trên biển, không vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai, thực hiện tốt chính sách, pháp luật hiện hành với người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có lĩnh vực quốc tịch. Báo cáo của tỉnh thể hiện khá cụ thể các nhóm đối tượng và kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật với người Việt Nam ở nước ngoài.

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu

Một số ý kiến đề nghị, Khánh Hòa cung cấp thêm thông tin về công tác phối hợp giữa địa phương và các bộ, ngành Trung ương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật với người Việt Nam ở nước ngoài; nêu rõ khó khăn, vướng mắc cụ thể trong chính sách, pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài. Có ý kiến đề nghị, Khánh Hòa chia sẻ kinh nghiệm ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư vào địa phương.

Về vấn đề gỡ “thẻ vàng” IUU của EC đối với thủy sản của Việt Nam, Đoàn giám sát đề nghị, địa phương đánh giá mức độ sát thực tiễn của các con số nêu trong báo cáo so với thực tiễn tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm IUU; hướng xử lý của địa phương, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của EC về gỡ “thẻ vàng” IUU với thủy sản của Việt Nam.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu

Các đại biểu cũng đề nghị, tỉnh cần đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC, khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, hướng đến phát triển nghề cá bền vững.

+ Tại Khánh Hòa, Đoàn giám sát đã gặp một số chủ tàu/ngư dân, thuộc đối tượng được bảo hộ công dân, đánh bắt cá trái phép bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xử phạt. 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác