Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung - Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận các dự thảo Nghị quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại; đại diện Bộ Ngoại giao; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại phiên họp trực tuyến, các đại biểu tập trung thảo luận các Dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hợp tác quốc tế vì khả năng tự cường lớn hơn về kinh tế và phục hồi nền kinh tế bao trùm; về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối”; Dự thảo Nghị quyết về “Vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực”.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Chiều 09/11, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận các Dự thảo Nghị Quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại theo hình thức trực tuyến.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội.
Tại phiên họp trực tuyến, các đại biểu tập trung thảo luận các Dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hợp tác quốc tế vì khả năng tự cường lớn hơn về kinh tế và phục hồi nền kinh tế bao trùm; về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối”; Dự thảo Nghị quyết về “Vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực”.
Dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối” được đồng bảo trợ bởi Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Australia. Còn dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực” được đồng bảo trợ bởi Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và Việt Nam.
Tại phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã thảo luận và cho ý kiến vào 2 dự thảo Nghị quyết, đồng thời chủ động xây dựng và đề xuất vào dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung góp ý vào các dự thảo Nghị quyết tại phiên họp.
Đoàn Việt Nam nhận thấy, việc thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối là chủ đề được ưu tiên tại các diễn đàn của Liên hợp quốc cũng như trong hợp tác khu vực của APEC và phù hợp với quan tâm, các định hướng thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, để tăng cường phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải tăng cường hợp tác quốc tế, xác định kinh tế số và thương mại điện tử là động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, đưa thương mại điện tử và kinh tế số trở thành ưu tiên trong các chiến lược, chính sách phục hồi tăng trưởng và thích ứng với đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, phê duyệt/phê chuẩn khi cần thiết các thỏa thuận hợp tác quốc tế công nhận lẫn nhau về tiêm chủng, hợp tác sản xuất vắc-xin, chia sẻ vắc-xin và thuốc điều trị giữa các nền kinh tế APEC; tạo thuận lợi đi lại giữa các nước, đẩy nhanh các biện pháp thích nghi, chuyển đổi mô hình phát triển trong đó chú trọng tính bền vững và hiệu quả, phát triển hệ sinh thái và môi trường thương mại điện tử thông qua các biện pháp hỗ trợ về hạ tầng, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông.
Đoàn Việt Nam cũng kiến nghị cần tăng cường sự tham gia của nghị viện nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác về các cách tiếp cận lập pháp tác động đến Internet và kinh tế số, đồng thời khẳng định lại cam kết mạnh mẽ hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, cởi mở, công khai và minh bạch, tự cường, bao trùm, chủ động thích ứng phục hồi sau COVID-19.
Đề cập đến dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực”, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất cần khẳng định vai trò và sự tham gia của các Nghị viện thành viên APPF trong việc tạo môi trường thể chế thuận lợi cho hội nhập kinh tế, khôi phục các cơ chế hợp tác khu vực và thúc đẩy thương mại nhằm thực hiện mục tiêu dài hạn của Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và Thương mại tự do dựa trên chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19.