Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập một cách chủ động, tích cực và ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, trong đó có Công ước Viên là rất cần thiết đối với Việt Nam nhằm hài hòa hệ thống pháp luật quốc gia và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Đây có thể coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Thay mặt cơ quan đề xuất gia nhập Công ước Viên, đồng chí Đỗ Thắng Hải cho rằng,với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới (83 quốc gia) và mức độ áp dụng khá cao (hơn 3000 vụ kiện), Công ước Viên năm 1980 thể hiện rõ được tính ưu việt và vị thế của mình trong hệ thống pháp luật thương mại quốc tế. Công ước Viên năm 1980 về cơ bản là không trái với Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại nhưng có một số quy định chưa được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối với những nội dung này, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc gia nhập Công ước Viên năm 1980, kiến nghị các vấn đề liên quan để Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Với vai trò là diễn giả chính, TS Nguyễn Minh Hằng, Trưởng khoa Luật, Đại học Ngoại thương nêu lên một thực tế đó là Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO, các quy định của WTO đóng vai trò quan trọng để phát triển hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước khác nhưng mới chỉ đưa ra các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế. Vì vậy, vẫn cần có “luật chơi chung” nhằm giảm thiểu các rào cản về mặt pháp lý do các xung đột pháp luật tạo nên đối với các hoạt động thương mại quốc tế. Do đó, việc gia nhập Công ước Viênlà cách thức hữu hiệu để giải quyết những xung đột pháp luật với các nước khác và giải quyết tranh chấp một cách dễ dàng hơn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đánh giá cao việc tổ chức hội nghị giới thiệu Công ước Viên và cho rằng những nội dung trình bày tại hội nghị là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các đại biểu Quốc hội.Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng băn khoăn về việc làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tiếp cận Công ước, và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tư vấn cho doanh nghiệp sau khi Việt Nam gia nhập Công ước.
Đại diện doanh nghiệp, bà Trần Tố Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dacotex Đà Nẵng ủng hộ việc gia nhập Công ước Viên và cho rằng việc gia nhập Công ước Viên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tránh được những rủi ro cho doanh nghiệp khi ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Giải đáp những băn khoăn của đại biểu Quốc hội và đại diện doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Hằng đã cung cấp thông tin về các cơ quan hỗ trợ cho doanh nghiệp như Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, các trang web cung cấp thông tin miễn phí…*
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu những ý kiến phát biểu tại hội nghị để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới, đồng thời lưu ý những vấn đề sau khi gia nhập Công ước./.
* Các thông tin liên quan đến Công ước Viên 1980 có thể tra cứu tại địa chỉ https://cisgvn.wordpress.com/