UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ ĐỀ ÁN VÀ KỊCH BẢN TỔNG THỂ TỔ CHỨC ASOSAI- 14

30/12/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, chiều 21/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án và kịch bản tổng thể tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI- 14) năm 2018. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp                      Ảnh: Đình Nam

Trình bày tờ trình về việc cho ý kiến về Đề án và thành lập Ban chỉ đạo liên ngành chuẩn bị và tổ chức ASOSAI- 14, Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc Kiểm toán nhà nước đăng cai tổ chức ASOSAI-14; ý kiến đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội về chủ trương Kiểm toán nhà nước đăng cai t

ổ chức ASOSAI 14 năm 2018; ASOSAI lần thứ 13 năm 2015 tại Malaysia đã thông qua việc Kiểm toán nhà nước đăng cai tổ chức ASOSAI- 14 năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã triển khai công tác chuẩn bị và xây dựng Đề án chuẩn bị, tổ chức ASOSAI- 14.

Tờ trình cho biết, nhiệm vụ chính của ASOSAI là thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của tổ chức thông qua việc báo cáo và phê duyệt các văn kiện, chế độ, chính sách quan trọng và bầu chọn Ban điều hành, phê chuẩn vị trí Chủ tịch và Tổng Thư ký cho nhiệm kỳ mới. Ngoài ra, trong khuôn khổ hoạt động của Đại hội còn có Hội nghị chuyên đề chuyên môn về chủ đề nhất định được các cơ quan kiểm toán của các nước thành viên ASOSAI quan tâm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Cũng theo tờ trình, đối tượng tham dự chính thức của ASOSAI khoảng 60 đoàn quốc tế bao gồm 46 cơ quan kiểm toán của các nước thành viên và đại diện của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), đại diện các tổ chức kiểm toán khu vực của INTOSAI, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ.

Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, ASOSAI-14 năm 2018 tại Việt Nam là một sự kiện quốc tế cấp cao quan trọng có quy mô lớn nhất của ASOSAI và Kiểm toán nhà nước từ trước đến nay với sự tham gia của khoảng 350 đại biểu với 55-60 đoàn quốc tế từ 46 quốc gia và một số tổ chức quốc tế, đại diện cho các cơ quan kiểm toán của các nước trong khu vực Châu Á với cấp Trưởng đoàn là Tổng Kiểm toán nhà nước (tương đương cấp Bộ trưởng), đặc biệt trong đó Tổng Kiểm toán nhà nước của Ủy ban kiểm toán Indonesia tương đương cấp Tổng thống; Tổng Kiểm toán nhà nước của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc tương đương cấp Phó Thủ tướng...

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, Kiểm toán nhà nước đã chuẩn bị công phu, chi tiết và khá đầy đủ hồ sơ chuẩn bị tổ chức ASOSAI 14; đồng thời đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của việc Kiểm toán nhà nước đăng cai tổ chức Đại hội. Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp thu hoàn chỉnh Bộ hồ sơ và tài liệu trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về thời gian diễn ra Đại hội, trong đề án dự kiến thời gian diễn ra đến 7 ngày nhưng thời gian chính thức chỉ 3 ngày, các ngày còn lại mang tính chất trù bị. Do vậy, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Kiểm toán nhà nước cần xem xét lại thông lệ các nước tổ chức Đại hội các kỳ trước, nghiên cứu Điều lệ Đại hội để đưa ra thời gian chính thức của Đại hội, tránh hiểu lầm kéo dài tốn kém. 

Về địa điểm tổ chức Đại hội, Kiểm toán nhà nước nên cân nhắc địa điểm tổ chức Đại hội cho phù hợp, tính toán cả 2 phương án tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và tổ chức tại khách sạn để đảm bảo phương châm tiết kiệm, chu đáo, hiệu quả và tạo thuận lợi để các đại biểu di chuyển, đi lại.

Về kinh phí tổ chức Đại hội, Kiểm toán nhà nước cần thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước hiện hành về toàn bộ các khoản mục chi, đồng thời xây dựng dự toán kinh phí cụ thể để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đối với một số Đoàn nước ta đài thọ cần có chủ trương cụ thể, xem xét thông lệ của các kỳ Đại hội trước, đồng thời dựa trên nguyên tắc ngoại giao có đi có lại giữa Việt Nam với một số nước. Trước mắt, Kiểm toán nhà nước cần có dự toán sơ bộ ban đầu có ý kiến của Bộ Tài chính để bổ sung vào hồ sơ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về Bộ máy điều hành, tổ chức để triển khai thực hiện, theo tờ trình thì Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành. Trong đó có 01 Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban, Tổng Kiểm toán nhà nước làm Phó Trưởng ban thường trực và thành viên là 01 đại diện Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và 12 Bộ, ngành. Thành lập 05 Tiểu ban và Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức liên ngành. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức và các tiểu ban được quy định tại các Quyết định thành lập. Những vấn đề trên sẽ được quy định trong Dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ về việc Ban hành Đề án tổng thể tổ chức ASOSAI-14.

Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại cho rằng Dự thảo Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành, Kiểm toán nhà nước cân nhắc Thành phần theo chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ Đại hội trên tinh thần gọn, thiết thực; Có thể thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 01 đồng chí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và các đồng chí cấp Vụ. Các tiểu ban do Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập.

 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp                   Ảnh: Đình Nam

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng với ý nghĩa và tầm quan trọng lớn của ASOSAI-14 thì việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia là cần thiết. Bởi vì khi Việt Nam đăng cai tổ chức đại hội này thì đây trở thành đại hội mang tầm vóc quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là đại hội của ngành kiểm toán. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, hồ sơ chuẩn bị đại hội cũng cần bổ sung thêm vấn đề về những kết quả thu được sau khi tổ chức đại hội. Cụ thể, sau khi tổ chức thành công đại hội chúng ta có những văn kiện gì, sản phẩm gì và dấu ấn đại hội để lại trong mắt bạn bè quốc tế là gì?

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đại hội ASOSAI- 14, Chủ tịch hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tiểu ban, trong đó đề nghị giao các Thứ trưởng làm Trưởng tiểu ban và các thành viên là đại diện của các bộ, ban, ngành.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao tinh thần chuẩn bị chủ động, chu đáo của Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, đây là một đại hội quan trọng, do đó việc hành lập các tiểu ban cần phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là tiểu ban an ninh với nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn để đại hội diễn ra tốt đẹp.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, cơ quan kiểm toán nhà nước là cơ quan trực thuộc Quốc hội, do Quốc hội bầu. Do đó, việc tổ chức đại hội lần này cần có sự sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với các bộ, ban ngành thực hiện đại hội, đặc biệt Ủy ban Đối ngoại.

Cuối phiên thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhất trí thời gian diễn ra đại hội sẽ kéo dài trong 4 ngày từ 19-22/09/2018. Địa điểm tổ chức đại hội tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhất trí giới thiệu Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng Ban chỉ đạo đại hội.

Khẳng định sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức ASOSAI- 14 năm 2018 là một hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thể hiện vị trí của Việt Nam trên trường Quốc tế, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị từ chủ đề cho đến nội dung văn kiện, sự phối hợp với các quốc gia tham dự về các chuyên đề, về các nghị quyết đều phải được Ban chỉ đạo đại hội chuẩn bị sớm với tinh thần trọng thị, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm và an toàn.

Hồ Hương