Tham dự Tọa đàm có các vị đại biểu Quốc hội là lãnh đạo, thành viên một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực này. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, thực hiện chương trình hoạt động năm 2015, Tọa đàm được tổ chức nhằm nhìn lại chặng đường xây dựng, hình thành Cộng đồng Văn hóa -Xã hội ASEAN, những cơ hội và thách thức đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới khi Cộng đồng ASEAN được hình thành.
Tọa đàm cũng là dịp để thảo luận, đóng góp ý kiến về chính sách, hài hòa hóa pháp luật, giúp Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu, rộng, thực chất hơn nữa trong ASEAN, phát huy tối đa thuận lợi từ tiến trình hội nhập mà khu vực đem lại. Đồng thời, góp phần vào kết quả của Phiên họp giải trình về Cộng đồng ASEAN trong thời gian tới.
Trình bày Tổng quan về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC), Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội TS. Lê Kim Dung cho biết, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9 diễn ra tại Bali, Indonesia vào tháng 10/2003, theo Tuyên bố Bali II, Cộng đồng ASEAN gồm Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).
Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, ASCC được xem như chân kiềng quan trọng, gắn kết và bổ trợ cho 2 trụ cột còn lại. Với mục tiêu nhằm xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, ASCC sẽ hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường ngày càng tốt hơn của người dân và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực.
Thảo luận tại Tòa đàm, các đại biểu cho rằng, khi gia nhập ASEAN trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức như việc huy động nguồn lực về tài chính và nhân sự, việc phân bổ Ngân sách Nhà nước cho các hoạt động hợp tác ASEAN chuyên ngành, sự khác biệt về trình độ phát triển trong ASEAN, nhiều vấn đề phức tạp như quyền phụ nữ, quyền lao động di cư, quyền nhóm yếu thế…
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lực, Học viện Ngoại giao Trần Việt Thái, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay việc tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN ở nước ta còn yếu. Việc quảng bá cho toàn thể xã hội còn thiếu, sự hiểu biết của địa phương, các doanh nghiệp “gần như bằng 0”.
Mặt khác, việc đào tạo nghề, chuẩn hóa các chứng chỉ, bằng cấp của nước ta so với Cộng đồng ASEAN còn nhiều hạn chế.
Đề xuất một số giải pháp khắc phục, Phó viện trưởng Trần Việt Thái cho rằng, cần phát huy hơn nữa và có chương trình tổng thể việc tuyên truyền, quảng bá Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, đặc biệt cần nâng cao vai trò của Quốc hội trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam cần tăng cường thực hiện các cam kết, sáng kiến về văn hóa-xã hội liên quan đến phát triển con người, phúc lợi và bảo trợ xã hội, công bằng xã hội, đảm bảo tính bền vững môi trường…
Đồng thời, cần nội hóa vấn đề này trong hệ thống pháp luật ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy, bổ sung những nhu cầu phát triển của quốc gia trong bối cảnh ASEAN, thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn các kế hoạch chung của ASCC đến năm 2015 và sau 2015.
Mặt khác, cần bố trí nguồn lực thích đáng để tiếp tục triển khai, thực hiện những sáng kiến đã được thông qua trong ASEAN; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức tới các Bộ, ngành và người dân.
+ Theo Kế hoạch dự kiến của Ủy ban Đối ngoại, sau Tọa đàm về ASCC, Ủy ban Đối ngoại sẽ tổ chức Tọa đàm về Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) vào ngày 13/6, Tọa đàm về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 16/6 và Phiên họp giải trình về Cộng đồng ASEAN vào ngày 18/8.