Tham dự tọa đàm còn có các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các Viện, Trường, Hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực số như FINHAY, MOMO, VC Corp và các bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan. Về phía khách mời quốc tế có sự tham gia của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam; đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan; đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tổng quan kinh tế số ở Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn, giải pháp phát triển kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số ở Việt Nam nhằm mục tiêu vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, chuẩn bị phục hồi sau đại dịch; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số; gợi ý chính sách cho Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Toạ đàm:
Toàn cảnh buổi toạ đàm
Các đại biểu tham dự Toạ đàm
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu mở đầu buổi Toạ đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nêu rõ: trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Kinh tế số, trong đó tài chính số, ngân hàng số sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả hàng đầu phục hồi kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, qua thực trạng phát triển bước đầu của ngân hàng số và tài chính số tại Việt Nam, có thể thấy trong bối cảnh giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng thương mại Việt Nam và các doanh nghiệp tài chính đã tiên phong trong việc từng bước nỗ lực áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh của mình. Để chủ động tham mưu và cập nhật thêm kiến thức về vấn đề này, cũng như có các khuyến nghị chính sách phù hợp, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia với chủ đề về “Kinh nghiệm quốc tế trong việc việc chuyển đổi kinh tế số ứng phó với đại dịch COVID-19”
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tổng quan kinh tế số ở Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn, giải pháp phát triển kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số ở Việt Nam nhằm mục tiêu vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, chuẩn bị phục hồi sau đại dịch; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số; gợi ý chính sách cho Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững
Các đại biểu đều thống nhất về vai trò và xu thế chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 hiện nay. Các đại biểu ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong tiếp cận xu thế của chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Đại diện của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đánh giá cao hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia với các dịch vụ hành chính công được cung cấp trên môi trường số, cho thấy sự chuyển mình của Chính phủ Việt Nam và người dân, doanh nghiệp
Tuy nhiên Việt Nam còn một hạn chế trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương đã chỉ ra các rào cản như hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực kết nối còn thấp; thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, thiếu quy định về bảo vệ người dùng; các chính sách hỗ trợ trong hệ thống thể chế chưa hoàn toàn thân thiện với người dân và doanh nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; khu vực tư nhân chưa thực sự đổi mới sáng tạo…Điều này cho thấy mức độ sẵn sàng số hóa của Việt Nam còn hạn chế
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đại diện Đại sứ quán Singapore, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…đều cho rằng cần thiết có tiêu chuẩn chung, khung pháp lý chung cho chuyển đổi số và kinh tế số để bảo đảm cân bằng giữa thúc đẩy phát triển và tạo môi trường an toàn cho người dùng gắn với bảo vệ dữ liệu; giữa các quốc gia cần thống nhất về việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới, thúc đẩy lưu thông dữ liệu vừa bảo đảm độ tin cậy về quyền riêng tư dữ liệu và sở hữu trí tuệ
Bên cạnh đó, đại diện các Đại sứ quán cũng cho rằng kinh tế không thể phát triển nếu thiếu sự chủ động tham gia của doanh nghiệp và người dân. Do đó Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời có sự chuẩn bị về nền tảng hạ tầng, khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới như ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử, thương mại điện tử
Đưa ra khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam, các đại biểu ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo điều kiện phát triển cho các mô hình kinh tế mới dựa trên công nghệ số. Đồng thời cho rằng, thời gian tới Nhà nước cần ban hành chiến lược, quy hoạch quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số; cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thông tin người dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân; có quy định và cơ chế phù hợp để điều chỉnh hoạt động của tổ chức và cá nhân tương thích với kinh tế số, chấp nhận các mô hình kinh doanh mới
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, quan điểm chuyên sâu, nhiều góc nhìn, mang tính xây dựng của các chuyên gia, các cơ quan đơn vị, các tổ chức quốc tế, phát biểu bế mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định kết quả của Tọa đàm sẽ là nguồn thông tin quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao của Quốc hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, phát triển kinh tế số trong đó có tài chính số và ngân hàng số...