ỦY BAN ĐỐI NGOẠI TỔ CHỨC TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

28/09/2022

Sáng 28/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Tọa đàm chuyên gia để đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung đóng góp ý kiến các quy định của dự thảo Luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia

Toàn cảnh Tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Trần Thị Hồng An; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính; đại diện Bộ Ngoại giao có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Ngô Hướng Nam; lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Trong thời gian gần đây, thực tiễn đòi hỏi tính cấp thiết cần phải sửa đổi dự án Luật này, người Việt kiều có rất nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến Luật Đất đai. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để sửa đổi Luật Đất đai lần này. Trong quá trình nghiên cứu để ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ quan chủ trì để tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Qua đó cho thấy quá trình thực hiện luật đạt nhiều thành tựu, kết quả lớn nhưng cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế và nhiều điểm nghẽn vướng mắc, thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nêu rõ, Ủy ban Đối ngoại tiếp cận Luật Đất đai theo hướng sửa đổi Luật lần này tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới để phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Đồng thời cho biết, thời gian qua đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con Việt kiều trong và ngoài nước liên quan đến dự án Luật này.

Quan điểm cho rằng đất đai là một tài nguyên đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị các chuyên gia, đại biểu tập trung cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai tại Tọa đàm này một cách thẳng thắn và trong phạm vi liên quan đến lĩnh vực Ủy ban Đối ngoại phụ trách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu khai mạc Tọa đàm

Dự thảo Luật Đất đai: Rà soát, chỉnh lý một số nội dung về người sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất; hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh

Tại Tọa đàm, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính cho biết, thực tiễn, sau gần 08 năm tổ chức thi hành, Luật Đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính cho rằng, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về: quy hoạch sử dụng đất, chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, dẫn đến giảm độ màu mỡ, chức năng sản xuất của đất; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, một số Nghị quyết mới của Đảng như Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 39-NQTW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đều đặt ra yêu cầu đổi mới chính sách pháp luật về đất đai. Đặc biệt, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao với 05 quan điểm, 03 mục tiêu, 06 nhóm giải pháp, 08 chính sách lớn trong hoàn thiện pháp luật về đất đai, đặt ra yêu cầu hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính nhấn mạnh, đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật Đất đai.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính, trong tháng 8 năm 2022, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ thảo luận và có Nghị quyết thông qua. Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban của Quốc hội đã nhiều lần làm việc với Cơ quan soạn thảo, chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để cho ý kiến về các định hướng, chính sách lớn trong quá trình soạn thảo.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính

Đề cập nội dung chính sách quản lý và sử dụng đất liên quan đến nước ngoài của dự thảo Luật, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính cho biết, liên quan đến yếu tố yếu tố nước ngoài sử dụng đất đai không được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, do đó dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Đất đai hiện hành đối với các đối tượng có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, từ những vấn đề vướng mắc đặt ra trong thực tiễn, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh lý một số nội dung về người sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất; hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh; quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính, về người sử dụng đất, tại Điều 6 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục quy định thể sử dụng đất có liên quan đến yếu tố nước ngoài gồm: Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai nêu rõ, quy định này kế thừa quy định của Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, việc phân định đối tượng sử dụng đất có liên quan đến yếu tố nước ngoài một cách ràng mạch sẽ là căn cứ để quy định quyền và nghĩa vụ tương ứng của người sử dụng đất tại các điều tiếp theo. Đồng thời, để đảm bảo thống nhất với cách dùng thuật ngữ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” như quy định của Luật Đầu tư, dự thảo Luật đã sửa đổi thuật ngữ “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.”

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã rà soát, sửa đổi một số nội dung liên quan đến quy định về giao đất, cho thuê đất đối với các đối tượng sử dụng đất có yếu tố nước ngoài. Cụ thể bổ sung vào trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất ““Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất ở do được bồi thường hoặc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này”. Đồng thời, tiếp tục quy định trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê” như pháp luật hiện hành (Điều 58).

Cần đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về các quy định của dự thảo Luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Có ý kiến cho rằng, việc tiếp cận đất đai của tổ chức, nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh là vấn đề đều các nước quy định. Đồng thời tại khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020 có quy định về Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Hình thức đầu tư; Phạm vi hoạt động đầu tư; Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đề cập đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, một số ý kiến cho rằng, về cơ bản dự thảo Luật giữ ổn định như hiện hành. Tuy nhiên có bổ sung thêm các quy định để phù hợp với thực tiễn và đảm bảo bình đẳng với các tổ chức kinh tế trong nước như về xử lý đất ngoại giao khi không còn nhu cầu sử dụng.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ như tổ chức kinh tế trong nước được quy định tại Điều 204 và Điều 218 của dự thảo Luật. Theo đó, bổ sung quyền đối với trường hợp thuế đất trả tiền hàng năm, theo hướng cho phép chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và bổ sung “quyền thuế trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”. Các ý kiến nhận thấy, quy định này nhằm thể chế chủ trương tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”, “cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm”.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên như WTO, CPTPP, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

Một số đại biểu đề nghị bổ sung các nội dung liên quan đến việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài trong dự thảo Luật để đồng bộ với các quy định liên quan đến nước ngoài đang được các Luật có liên quan quy định. Cụ thể bổ sung việc sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở. Theo đó, các tổ chức, cá nhân ngước ngoài đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng lại không phải là người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang không đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nội dung này có liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, phát triển thị trường bất động sản, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có đầy đủ căn cứ chính trị quy định về nội dung này.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, đây là luật khó, lần này Quốc hội khóa XV quyết tâm sửa đổi một số điều của Luật Đất đai. Tọa đàm này nhằm thảo luận, xem xét, nghiên cứu những vấn đề cần sửa đổi. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, vừa làm phải vừa thận trọng, nghiên cứu xem xét qua 3 kỳ họp, đồng tình với các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm về tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, Tọa đàm tiếp cận vấn đề này rất nghiêm túc, vì đây là vấn đề quan trọng, cần sự tham gia đóng góp ý kiến sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu và các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời sẽ ghi nhận, tiếp thu và tổng hợp ý kiến xác đáng của các đại biểu, chuyên gia./.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu kết luận Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính nhấn mạnh, Nghị quyết số 18-NQ/TW là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật Đất đai.

 Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp Lê Vân Anh đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế như WTO, CPTPP.

 Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) Khuất Duy Lê Minh đánh giá về tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đại diện Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Ngọc Tuyển đề cập vấn đề tiếp cận đất đai đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Đại học Luật Hà Nội đề nghị cần đưa vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, để đảm bảo chặt chẽ quỹ đất dành cho quốc phòng - an ninh, tránh sự xâm hại.

Có ý kiến đề nghị xem xét, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng việc sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

TS.Nguyễn Thị Thu Trang – Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) để nghị cần đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan như WTO, CPTPP...

TS.Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị bổ sung một số nội dung liên quan đến việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài trong dự thảo Luật để đồng bộ với các quy định liên quan đến nước ngoài đang được các Luật quy định.

Chuyên gia đóng góp ý kiến về quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cần đảm bảo bình đẳng với các tổ chức kinh tế trong nước.

TS.Đinh Thị Mỹ Loan - Nguyên Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đề nghị có phương thức hòa giải thương mại bổ sung vào dự án Luật này,

Chuyên gia đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.

Bích Ngọc - Phạm Thắng