Xác định hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, kể từ công cuộc đổi mới đến nay, trải qua gần 30 năm, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động hội nhập ngày càng sâu hơn, đầy đủ hơn vào các thể kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, qua đó hỗ trợ đắc lực cho quá trình đổi mới toàn diện đất nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết 8 FTA và đang đàm phán 7 hiệp định khác, trong đó có những Hiệp định thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)... Việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do tạo ra những cơ hội thuận lợi cho nền kinh tế nước ta nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó bao gồm hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa phù hợp để thực hiện các cam kết quốc tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải kiện toàn hệ thống pháp luật, sửa đổi các đạo luật trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, nội luật hóa các cam kết quốc tế mới phát sinh... Vai trò phê chuẩn các điều ước, hiệp định quốc tế, ban hành văn bản luật và nội luật hóa các cam kết quốc tế là chức năng Hiến định của QH.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thương mại tự do, xu hướng đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do trên thế giới; cơ sở pháp lý của việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do; những yêu cầu cần thiết để việc tiến hành đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do đi đến thành công; điểm khác nhau giữa những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các hiệp định thương mại tự do thông thường. Tác động thuận - nghịch của FTA, nhất là FTA thế hệ mới với Việt Nam. Vai trò của QH đối với việc đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA. Theo kinh nghiệm quốc tế, QH có vai trò củng cố và hoàn thiện cơ sở pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Trong quá trình đàm phán, trao đổi, thảo luận và đối thoại với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của các địa phương, QH lắng nghe ý kiến, đề xuất của cử tri và đối thoại với các doanh nghiệp, nhà sản xuất. Khi Hiệp định đã được ký kết, QH thẩm tra Hiệp định đó, đánh giá các tác động có thể có đối với nền kinh tế trước khi xem xét phê chuẩn Hiệp định.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng thảo luận về các vấn đề pháp lý cần sửa đổi, bổ sung của Việt Nam để tăng tính cạnh tranh thương mại của nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm vừa tận dụng được các cơ hội do FTA mang lại vừa tuân thủ các cam kết đã ký.