PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ TƯ CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

21/08/2023

Chiều ngày 21/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tổ chức Phiên họp thứ tư triển khai công tác xây dựng báo cáo kết quả giám sát.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TỔ CHỨC PHIÊN HỌP THỨ TƯ

Toàn cảnh Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì Phiên họp. Dự phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát; Tổ giúp việc Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, phiên họp thứ tư của Đoàn giám sát được tổ chức nhằm tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25, trong đó có chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Cho ý kiến về nội dung, phương thức hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát, hồ sơ giám sát; Cho ý kiến về nội dung, yêu cầu làm việc với một số Bộ, ngành; Cho ý kiến về đề cương phim giám sát; Cho ý kiến về dự kiến nội dung làm việc với Chính phủ và một số mốc thời gian triển khai của Đoàn Giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại Phiên họp.

Về dự kiến đề cương Báo cáo Tóm tắt kết quả giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu cho ý kiến về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đánh giá ưu điểm, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm; cho ý kiến về những kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương…

Tại buổi làm việc, các ý kiến cơ bản nhất trí với tiến độ, thời gian, dự kiến nội dung làm việc với các bộ, ngành và làm việc với Chính phủ vào đầu tháng 9 trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức vào Phiên họp thứ 26 (tháng 9/2023). Các ý kiến đã góp ý hoàn thiện đề cương Báo cáo Tóm tắt kết quả giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bố cục đề cương báo cáo, xác minh rõ một số số liệu liên quan đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề xuất bổ sung cơ chế quản lý tổ chức thực hiện chương trình vào đề cương báo cáo...

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Các ý kiến cũng khẳng định, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung vào việc ban hành cơ chế, chính sách thực hiện. Vì vậy cần làm rõ ưu điểm, nhược điểm, tồn tại hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan; các nhận định, đánh giá cẩn trọng dựa vào các số liệu cụ thể để có kiến nghị giám sát phù hợp, trong đó cần cân nhắc kiến nghị về kéo dài thời gian chuyển tiếp, cơ chế đặc thù của chương trình…

Theo chương trình, sau khi làm việc với Chính phủ và các Bộ, ngành, Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát, Dự thảo Nghị quyết giám sát và Phim tài liệu của chuyên đề giám sát tại Phiên họp tháng 9/2023. Sau đó, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Theo Kế hoạch số 345 của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, hoạt động giám sát nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp, lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình. Phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp thứ tư, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn giám sát góp ý về bố cục đề cương báo cáo giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó trưởng Đoàn giám sát đề xuất nội dung làm việc với Chính phủ và các Bộ, ngành.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Tổ trưởng Tổ Giúp việc phát biểu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan góp ý đề cương báo cáo giám sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan phát biểu.

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Lan Hương - Minh Hùng

Các bài viết khác