Băn khoăn chuyện lãi suất cơ bản

13/05/2015

Cho ý Kiến về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại phiên họpThường vụ thứ 38, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết trên thực tế Ngân hàng Trung ương không có lãi suất cơ bản.

Ảnh: Đình Nam

Trong khi thảo luận về vấn đề lãi suất cho vay trong hợp đồng dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đặc biệt nhấn mạnh về điều 483 của dự thảo luật (sửa đổi). Theo điều 483: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Ngân hàng Trung ương không có lãi suất cơ bản mà chỉ có 3 lãi suất: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất qua đêm. Ba loại lãi suất này là công cụ gián tiếp để tác động vào thị trường tiền tệ. Do đó, nếu điều luật quy định căn cứ vào lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước để xác định lãi suất cho vay của các đương sự thì cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng. Chủ nhiệm cũng đưa ra dẫn chứng các nước khác trên thế giới không có lãi suất cơ bản, ở Mỹ cũng không có loại lãi suất này “Giả định nói các nước này có lãi suất cơ bản, nhưng lãi suất này là 0% thì lấy gì mà xử lý”. Từ đó đại biểu đề nghị về từ ngữ, dự thảo luật cần phải xem lại. Cần phải có sự thống nhất giữa Bộ luật dân sự với Luật ngân hàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng phân tích thêm, Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định điều 483 như vậy cũng có thể hiểu là để phù hợp với quy định tại điều 12 Luật ngân hàng, tức là “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi”. Tuy nhiên trên thực tế, Luật Ngân hàng đã có hiệu lực 5 năm rồi nhưng vẫn chưa một lần công bố lãi suất cơ bản. Do đó, chúng ta phải căn cứ vào thực tế chứ không chỉ căn cứ vào khái niệm trên luật.

Trước những băn khoăn của một số đại biểu rằng nếu bỏ nếu bỏ lãi suất cơ bản thì lấy gì làm thước đo để xử lý tội cho vay nặng lãi. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho hay, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố một mức lãi suất trên cơ sở bình quân lãi suất cho vay của 3 loại nhóm ngân hàng: quy mô lớn, quy mô trung bình và quy mô nhỏ với thời hạn cho vay từ 1 năm trở lên. Đây sẽ là ý tưởng hợp lý để xử lý vấn đề cho vay nặng lãi. Ví dụ, lấy trung hạn từ 1 năm trở lên của 3 nhóm ngân hàng đem chia bình quân để ra lãi suất chuẩn. Nếu lãi suất chuẩn đó cho vay 10% thì hai bên đương sự theo quy định này lấy là 10%. Nếu trong trường hợp được thỏa thuận nhưng không quá 200%  thì là 20%, đồng thời đây cũng là chuẩn để xử lý vấn đề cho vay nặng lãi.

Hồ Hương